top of page
Bung Trần - Phú Kiệt - Gia Khôi

Cứ đi sẽ thành đường

TTCT - “Khởi nghiệp” đang là từ khóa đắt giá và “sang chảnh” nhất trong cộng đồng những người trẻ hiện nay. Chưa bao giờ sự hỗ trợ rầm rộ từ chủ trương của Nhà nước, sự ủng hộ của truyền thông, các tổ chức xã hội và đặc biệt là số tiền triệu, chục triệu đôla Mỹ được đầu tư vào khởi nghiệp nhiều như bây giờ.


Không gian làm việc tại SSS - ảnh: Tư liệu

Tại sao phải khởi nghiệp?


Câu hỏi tưởng chừng hơi… tào lao này hóa ra lại làm khó không ít bạn trẻ khởi nghiệp mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trong quá trình tham gia tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp suốt ba năm qua.


Từ những cuộc thi hoành tráng như “Khởi nghiệp Israel” hay phạm vi nhỏ hơn là “Sáng tạo khởi nghiệp” của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao hoặc tuyển chọn hạt giống tham gia vườn ươm khởi nghiệp của Đà Nẵng.


Phần đông các bạn nói lòng vòng một cách mơ hồ về sự giàu có, sự thành công hay những hào quang mà thế giới khởi nghiệp mang đến.


Góp gì đó cho cộng đồng


Ngày 25-2-2016, tạp chí Forbes đã công bố danh sách “Những gương mặt dưới 30 tuổi tiêu biểu châu Á”.


Lần đầu tiên bảy gương mặt trẻ dưới 30 tuổi của Việt Nam, thuộc nhiều ngành nghề, được Forbes tôn vinh. Trong lĩnh vực y tế, Tạ Minh Tuấn (28 tuổi, CEO của HELP International - doanh nghiệp xã hội xây dựng mạng lưới “Bác sĩ riêng - Y tế tại nhà”) là đại diện duy nhất của Việt Nam.


Theo học chuyên ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM, khi còn đang học, Tuấn từng thực hiện một đề án quản lý hệ thống và ấp ủ áp dụng vào thực tế. Ý tưởng kinh doanh xuất phát từ một sự kiện không may của gia đình anh, tận mắt chứng khiến hệ thống y tế công quá tải, việc khám chữa bệnh, điều trị tốn kém, mất nhiều thời gian, chưa kể nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo giữa các bệnh nhân, Tuấn mong muốn xây dựng một hệ thống y tế dự phòng hỗ trợ những người gặp vấn đề tương tự.


Từ đó, hệ thống bác sĩ riêng (Personal Doctor System) và xa hơn là bác sĩ gia đình (Family Doctor System) tại địa chỉ bacsirieng.com ra đời. Tuấn đã tập hợp đội ngũ cộng sự gần 20 người, chủ yếu là những người trẻ, chung ý tưởng “muốn góp sức làm gì đó cho cộng đồng”.

Ra mắt chính thức vào giữa năm 2010, những năm đầu HELP đạt được tốc độ tăng trưởng 300% mỗi năm. Năm 2011, HELP được Council, CSIP và The One Foundation ghi nhận là doanh nghiệp xã hội tiêu biểu của Việt Nam. Để phát triển và mở rộng hệ thống từ năm 2016, Tuấn đang hướng tới việc nhượng quyền thương hiệu HELP, mở rộng ra toàn quốc.


Có cả những tác động bên ngoài, kiểu “người bạn thân vừa nghỉ làm ra khởi nghiệp chưa đầy một năm đã có cả triệu đôla tiền đầu tư” hay “thấy ý tưởng của người ta đâu có gì hay mà thành công quá, ý tưởng của mình chắc chắn hay hơn nhiều”, hoặc “thử khởi nghiệp xem sao…”, thậm chí có bạn rất hồn nhiên: “Thiên hạ làm được thì mình làm được”.


Vô cùng hiếm mới tìm ra một câu trả lời ngắn gọn, giản dị và thật thà như của anh Nguyễn Khắc Minh Trí - người vừa giành hàng loạt giải thưởng khởi nghiệp với Công ty nông nghiệp công nghệ cao MimosaTek: “Đơn giản lắm, chỉ là tìm một cái gì đó mới để làm.


Khi đó chưa ý thức được về khái niệm khởi nghiệp theo đúng nghĩa của từ startup. Do vậy, lúc mở MimosaTek thì không có việc lựa chọn thời điểm liên quan đến cái mình hay gọi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” gì cả, chỉ là sự cân nhắc trong việc chuyển từ một môi trường an toàn sang một môi trường mới mạo hiểm nhưng đầy thú vị” .


Tháng 9-2015, Phạm Anh Đức, 27 tuổi, bỏ chức vụ CEO của Nhanh.vn, một công ty cung cấp giải pháp bán hàng trực tuyến, để xây dựng một website cung cấp dịch vụ y tế. Ý tưởng kinh doanh của chàng cử nhân tốt nghiệp loại giỏi Đại học DePauw (Mỹ) dựa trên cơ sở: Hệ thống y tế công Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở y tế có tiếng đông nghẹt khách, gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, sắp xếp hồ sơ.


Ngược lại, những phòng khám mới thành lập chưa được biết đến rộng rãi lại vắng hoe, không thu hút được người khám. Ý tưởng này may mắn gặp được vài nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng rót vốn, vài tuần sau, một website kết nối cung cầu dịch vụ y tế ra đời.


Sau nửa năm hoạt động, hiện Đức vẫn bay đi bay về giữa Hà Nội và TP.HCM lên lịch hẹn, tới gõ cửa thuyết phục nhiều bác sĩ giỏi tham gia dự án. Khó khăn, nhưng Đức tỏ ra tự tin về triển vọng của công ty khi “gãi” đúng nhu cầu.


Dù khởi nghiệp ở Việt Nam đang tạo thành làn sóng nhưng Nguyễn Đức Hải, 29 tuổi, đồng sáng lập Startup.vn - một chương trình chuyên hỗ trợ những dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, nhận xét môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện có rất ít “đất diễn” nói chung cho khởi nghiệp công nghệ và phi công nghệ. Khó khăn đến từ môi trường cho hoạt động khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh, chính sách vĩ mô hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp chưa rõ ràng, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm và “nhà đầu tư thiên thần” sẵn sàng rót vốn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay…


Từng thất bại với vài dự án startup trước khi lập ra Loanvi.com, mạng lưới kết nối tài chính năm 2015 được Chính phủ Chile lựa chọn là 1 trong 90 startup toàn cầu sẽ phát triển tại nước này, Hải đánh giá chính sách khởi nghiệp của Việt Nam gần đây đã có những chuyển động tích cực.


Tuy nhiên, nếu quy trình thành lập doanh nghiệp được rút ngắn và dỡ bỏ điều kiện kinh doanh với nhiều ngành nghề, nhiều nút thắt quan trọng khác ảnh hưởng đến quyết định rót vốn vào các startup của Việt Nam như thuế và quy định đầu tư lại chưa có nhiều thay đổi mang tính đột phá.


Không có nhiều trường hợp khởi đầu thuận lợi như Phạm Anh Đức khi tìm ngay được nhà đầu tư rót vốn và thành công trong các vòng gọi vốn tiếp theo, đa số startup hiện nay có ý tưởng tốt nhưng vẫn khó tiếp cận các nguồn tài chính.


Thông thường các dự án khởi nghiệp phải trải qua nhiều nấc thang từ ý tưởng, vườn ươm doanh nghiệp... tới việc thu hút đầu tư cá nhân/quỹ nhỏ rồi quỹ đầu tư mạo hiểm/quỹ đầu tư lớn tham gia các vòng gọi vốn sau này. Không ít startup thất bại nửa chừng vì không tìm được nguồn vốn chống lưng hay xuất hiện sớm nhưng đuối sức, không tạo được dấu ấn…


Trong cuộc trò chuyện với các bạn trẻ chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp Israel, Jonathan Medved - người được tờ The Washington Post gọi là “một trong những thủ lĩnh của khởi nghiệp Israel” - chia sẻ: “Phần cốt lõi của khởi nghiệp là tìm một lý do quan trọng, thường là một vấn đề của xã hội cần chúng ta giải quyết.


Khởi nghiệp, về bản chất là tạo ra sản phẩm, dịch vụ để làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Tiền bạc sẽ đến rất dễ dàng nếu bạn có thể chứng minh được mình thật sự làm thay đổi cuộc sống quanh mình, dù là bằng một sản phẩm đơn giản nhất nhưng chưa ai làm. Một lý do tốt luôn tạo ra năng lượng tốt, cũng là động lực để chúng ta đi tiếp mỗi khi mệt mỏi”.


Ông chủ của quỹ đầu tư cộng đồng hàng đầu Israel này còn nói thêm: “Ở Việt Nam, tôi nghĩ có rất nhiều vấn đề cần các bạn phải đưa ra giải pháp để xử lý, nên đó sẽ là mảnh đất màu mỡ của khởi nghiệp”.


Cứ bình tĩnh và khởi nghiệp

Liệu ta có phù hợp để khởi nghiệp?


Hoạt động startup tại Việt Nam manh nha phát triển từ năm 2003-2004 với sự xuất hiện của IDJ Venture, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên rót vốn tiếp sức cho sự lớn mạnh của các startup cách đây 10 năm như VNG, VC Corp, Vietnamwork, Vatgia.com…


Giấc mơ nông nghiệp chính xác


Khởi nghiệp tập trung vào việc ứng dụng xu thế “Internet of things” để phát triển một nền tảng nông nghiệp thông minh, Nguyễn Khắc Minh Trí, nhà sáng lập và CEO của MimosaTek, đang đi những bước đầu tiên thực hiện giấc mơ nông nghiệp chính xác của mình.

Hệ thống quản lý tưới chính xác của MimosaTek giúp nông dân tưới đúng, tưới đủ dựa vào công nghệ “lắng nghe” điều kiện môi trường, độ ẩm của đất, phân tích thông tin và tính toán để biết được thời điểm cần và lượng nước cần tưới cho cây.

Nỗ lực của Nguyễn Khắc Minh Trí đã giúp anh đoạt giải nhất cuộc thi dành cho các dự án khởi nghiệp Venture Cup 2015. Theo Trí, môi trường của Việt Nam đang ủng hộ những người khởi nghiệp vì khái niệm startup đang được xã hội rất quan tâm, từ cộng đồng đến các vườn ươm doanh nghiệp, các kênh truyền thông đến các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp đều làm cho một hệ sinh thái startup được hình thành rõ nét hơn tại Việt Nam.

Đây là thời điểm rất thuận lợi để những người khởi nghiệp có ý tưởng hay và năng lực triển khai tốt khởi nghiệp. Trí cho rằng hiện chính sách vẫn chưa tách biệt doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp khác, với đặc thù rất khác nhau, nên khi áp dụng chung chính sách như những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng rất vất vả để có thể tạo nên sự đột phá.

Chính sách cho các nhà đầu tư nước ngoài quá phức tạp và tốn nhiều thời gian, dẫn đến xu hướng các startup hướng đến việc mở công ty tại các nước khác để làm việc với nhà đầu tư.

Sau đó thị trường xuất hiện những tên tuổi mới góp mặt như DFJ VinaCapital, CyberAgent Ventures hay gần đây là 500 Startups… Dù vậy, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam hiện vẫn ít ỏi, cộng với môi trường khởi nghiệp chưa thuận lợi khiến số các sản phẩm startup của người Việt Nam tạo được chú ý trên thị trường quốc tế rất ít, chỉ có thể gọi tên một vài sản phẩm như Flappy Birds, Teppy…


Ngoài những khó khăn về môi trường, chính sách, khó khăn còn đến từ sự ảo tưởng. “Startup Việt Nam rất thiếu kiến thức về đầu tư và cổ phần. Thứ hai là cường độ làm việc vẫn… chưa đủ.


Cuối cùng là nhiều startup Việt Nam tương đối ảo tưởng về mặt ý tưởng” - ông Đỗ Hoài Nam, CEO của SeeSpace, nhận xét trong một buổi chia sẻ tại một diễn đàn kinh doanh dành cho giới trẻ. Từng làm việc tại Silicon Valley, nghiên cứu thành công và đưa thiết bị đọc sóng não Emotiv thương mại hóa toàn cầu, ông Nam cho biết các startup thường làm việc qua đêm, cường độ làm việc 14-16 tiếng hằng ngày.


“Các bạn có thể ngồi trên sân khấu chém ý tưởng lớn cỡ nào đi chăng nữa thì dưới kia sẽ luôn có hơn 200 ý tưởng tốt hơn của các bạn” - ông Nam nói. Nhận định này không phải không có cơ sở khi nhiều phong trào kinh doanh thoạt nhìn có vẻ kiếm tiền nhanh được ngộ nhận là ý tưởng startup nghiêm túc.


Nhiều người trẻ thậm chí sẵn sàng bỏ việc hay bỏ học để rẽ ngang kinh doanh mở quán cà phê, quán ăn, bán hàng qua mạng...


Theo Nguyễn Đức Hải, startup thường gắn với một ý tưởng kinh doanh mang tính đột phá, người tham gia chủ động chấp nhận một thời gian dài có thể không có doanh thu, nhưng sự bùng nổ sau đó có thể đưa startup vươn lên chiếm lĩnh thị trường.


Ngược lại, các ý tưởng kinh doanh sao chép hướng tới việc kiếm tiền nhanh có mặt tích cực giúp người tham gia tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện một số kỹ năng, nhưng về lâu dài gần như không có tác động đóng góp cho xã hội, chưa kể việc thất thoát, lãng phí nguồn lực.


Nửa cuối năm 2015, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đón nhận tin tức khá bi quan khi hai website thương mại điện tử Beyeu.comDeca.vn lần lượt bị các nhà đầu tư khai tử. Đáng chú ý, lời nhắn cuối cùng Beyeu.com để lại trên website mang nhiều ngụ ý cho các startup: “Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty sẽ quyết định ngừng đốt tiền. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng”.


Trên thế giới chỉ có một Google, một Facebook, một Alibaba. Và nó được xây lên từ hàng loạt thất bại của những mô hình tương tự. Quan trọng hơn, nó có một thủ lĩnh đủ mạnh, đủ đam mê, đủ tài năng và có sự hỗ trợ rất lớn của một hệ sinh thái khởi nghiệp với đủ mọi mắt xích khác nhau. Điều đó có nghĩa là không phải ai cũng có khả năng khởi nghiệp.


Và tất nhiên, khởi nghiệp không phải là con đường duy nhất để thành công, để hạnh phúc và để chứng tỏ giá trị bản thân. Điều đó có nghĩa là trước khi khởi nghiệp, chúng ta cần kiểm tra thật kỹ bản thân của mình, xem thử mình có thật sự phù hợp với hoạt động này không. ■

Kinh doanh dù ở bất kỳ dạng thức nào cũng không có đúng và sai, chỉ có sự phù hợp. Và sự phù hợp của khởi nghiệp được người Israel tổng hợp thành các tiêu chí như sau:


- Phải có một đội ngũ, ít nhất là ba người, bao gồm: một người giỏi về kỹ thuật, sản xuất; một người rành về quản trị kinh doanh và một người thuần thục việc kết nối với các nguồn lực khác của xã hội.


- Phải có một sự cam kết dài hạn và toàn thời gian. Không được xem khởi nghiệp như một việc làm thêm hay một sự thử nghiệm cuộc sống.


- Phải luôn sáng tạo, cập nhật những gì mới nhất của thế giới đang thay đổi mỗi ngày.

- Phải sẵn sàng cho sự thất bại. Muốn vậy, phải thật sự bền chí, bản lĩnh và... có đủ sức khỏe để theo đuổi con đường này.


- Phải sống thực tế, đừng ảo tưởng về sức mạnh của bản thân. Và phải chung sống với cộng đồng khởi nghiệp một cách hòa hợp và hỗ trợ cao nhất. Giành người, ăn cắp ý tưởng, nói xấu... luôn là những giá trị bị lên án.

1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page