top of page
Ảnh của tác giảBung Trần

#goitoilaaovu: Chuyện trai tơ bán áo vú

Bài dự thi của Bung tại Cuộc thi Gọi tôi là áo vú do Pinkmate tổ chức. Đọc bài tại đây.


Mỗi khi phụ bà chị ruột bán ít đồ đấu giá để mua len về đan thành các “bầu vú mềm” để đem tặng các chị các cô bị mất vú vì ung thư phải giải phẫu, lúc nào Bung cũng thấy nhớ cái thời trai tơ của mình ra giữa chợ bán áo vú cho bà con cô bác bốn phương trời.


Tôi tên Bung, giờ đang làm giảng viên của Google, thỉnh thoảng có đi làm giảng viên thỉnh giảng ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước. Tôi hay nghĩ, có được mình bây giờ, thì phải luôn biết ơn mớ áo vú đã nuôi mình nên người.


Khoảng hơn 25 năm trước, khi còn học lớp 8, tôi từ Đà Lạt xuống Sài Gòn sau một biến cố gia đình. Một thằng công tử bột được thảy ra giữa chợ với sản phẩm đầu tay là… quần lót nữ, loại hàng xuất khẩu còn tồn lại trong kho của một công ty may to ơi là to. Lớp 8 thì cũng bắt đầu biết mắc cỡ, nhưng bụng đói thì miệng phải rao, tay phải bán. Sau, số phận đưa đẩy, lên tới lớp 10 thì tôi nhận được job bán áo vú của một công ty nước ngoài ở một trung tâm thương mại lớn đầu tiên ở Sài Gòn. Cảm giác bán từ quần lót nữ ngoài chợ chuyển sang áo vú ngoài trung tâm thương mại nghe rất oách, vì không chỉ là lên đời về vị trí bán mà còn cả… vị trí sản phẩm.


Tôi phải tự học về các loại sản phẩm áo vú khác nhau. Ôi trời ơi nó là một ma trận của nhiều vũ trụ khác nhau. Ngoài các loại kích thước A, B, C thì có gọng không gọng có ren không ren có mút không mút, mút mỏng mút dày, có thun không thun, cài trước cài sau gỡ dây hay không gỡ dây… Ngoài ra lại còn nhiều… tính năng phức tạp hơn, vì mỗi cái áo vú đòi hỏi hơn 20 mảnh ghép khác nhau. Tôi tự nhủ may mà mình học giỏi toán nên dù không trực tiếp sử dụng nhưng cũng có thể nhớ mà tư vấn sản phẩm.


Một thằng con trai lớp 10, tức là 15 tuổi, vừa kịp bể tiếng và có chút ria mép đứng bán áo vú hoá ra lại rất… ăn tiền. Người nước ngoài tới mua thì họ luôn biết mình muốn gì nên “từ chuyên môn” cứ thảy ào ào. Người nước mình thì chia làm ba nhóm: các bà các cô thấy thằng trai tơ bán hàng tưởng nó lơ ngơ nên tận tình… hướng dẫn. Áo vú thì được mặc thử, quần lót thì không, nên có nhiều cái áo phức tạp về cách mặc thử phải đứng bên ngoài rèm vải mà hướng dẫn cũng thiệt là… khó. Nhóm thứ hai là các chị hơi lớn hơn Bung chút tới mua thì hay mắc cỡ nên không dám trả giá. Nhóm còn lại là các ông đi mua áo vú cho vợ. Bung xin thề đây là những ca khó đỡ nhất, vì họ thường áng chừng kích thước cần mua bằng… bàn tay. Trong nghề bán áo vú người ta hay kể vụ mấy ông đo cái tay xong giữ y nguyên như vậy từ nơi đo tới nơi bán luôn, lỡ vấp cục đá chắc… sai số đo chắc luôn.


Nghĩ lại, suốt hơn hai năm trời hành nghề bán áo vú, tôi có nhiều niềm vui hơn là sự mắc cỡ. Lúc đầu cũng lo mấy đứa bạn trong trường chọc ghẹo, nhưng sau đó phần là vì mình đi bán áo vú có tiền hơn mấy đứa phải xin cha mẹ, phần là vì mình vẫn học giỏi và phần quan trọng là vì hiểu biết về áo vú mà Bung rất có giá trong mắt… các bạn nữ. Đơn giản là tư vấn làm đẹp miễn phí mà…


Cũng hơn hai thập kỷ không còn theo nghề bán áo vú nữa, nhưng vài phản xạ vẫn còn, kiểu như thấy ai mặc sai áo vú thì tìm cách nói vui cho họ sửa để không hư dáng, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản này nọ. Và cứ mỗi khi bà Bo đan đan móc móc các “bầu vú mềm” – một sáng kiến toàn cầu dùng len sợi để đan và móc thành những bầu vú có hình dạng tương tự vú tự nhiên với các kích thước khác nhau để đem tặng những ai đã mất đi bầu vú vì ung thư, bất giác lại tính thử nếu quy ra áo vú thì là… size nào.


4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page