top of page
Ảnh của tác giảBung Trần

Không phải để thay đổi thế giới

TTCT- Kết thúc chuyến nghiên cứu về khởi nghiệp tại Ireland, điều duy nhất mà tôi còn nhớ là câu nói của một nhà đầu tư “thiên thần” tại đảo quốc này: “Ít người trên đời này có thể thay đổi thế giới lắm. Nhưng lại có nhiều người có thể tạo ra một doanh nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm và mang đến sự thịnh vượng”.


Kim và các lọ sản phẩm đầu tay của mình trong phòng nghiên cứu thực phẩm trị giá 2 triệu euro của DIT-T.Nguyên

Một quốc gia Tây Âu nhỏ bé với 4,5 triệu dân, chỉ bằng một nửa dân số Israel, nhưng sở hữu nền nông nghiệp hữu cơ hạng nhất thế giới, kèm theo thu nhập đầu người hạng nhì thế giới cùng một hệ thống giáo dục đáng ngưỡng mộ.


Có lẽ vì thế họ tạo ra một công thức khởi nghiệp khác lạ hơn hẳn so với những gì đang được ưa chuộng, hoành tráng và lấp lánh hiện nay.


Hũ thịt heo muối của Kim


Thông qua sự giới thiệu của sứ quán Ireland tại Việt Nam, Học viện Công nghệ Dublin - DIT chuẩn bị một cuộc tiếp đoàn Việt Nam khá long trọng. Ông chủ tịch viện cũng ghé chào mừng, ông giám đốc trung tâm trình bày và dẫn đi tham quan, và quan trọng hơn hết, họ mời các chủ dự án khởi nghiệp thành công nhất của DIT đến như một minh chứng cho công trình hỗ trợ khởi nghiệp 15 năm qua của mình.


Ngồi khiêm tốn trong phòng là chàng trai Gunmoo Kim, một cựu sinh viên ngành kinh doanh ẩm thực của DIT đến từ Hàn Quốc.


Anh được giới thiệu rất ngầu: “Đây là ngôi sao sáng và là người truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên, là người đã giành rất nhiều giải thưởng khởi nghiệp không chỉ của thủ đô Dublin mà còn của Ireland và đang được các nhà đầu tư săn đón”.


Kim nói một thứ tiếng Anh rất châu Á và cũng hơi nhút nhát trong việc trình bày sản phẩm của mình, hoàn toàn không có phong thái mạnh mẽ, đầy ắp đam mê, sẵn sàng chiến đấu của các “chiến binh khởi nghiệp” như thường thấy.


Anh trình bày về Công ty Jaru của mình: “Chúng tôi tập trung phát triển sản phẩm và phân phối những món ăn truyền thống của Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung tại Ireland, thông qua đó có thể kết nối văn hóa Á - Âu qua con đường ẩm thực.


Ý tưởng quan trọng nhất của dự án này là bảo vệ sự tinh túy của hương vị ẩm thực truyền thống Hàn Quốc và châu Á thông qua việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Ireland để có những món ăn đóng hộp thật ngon, thật bổ dưỡng và thật riêng biệt”.


Chàng trai ngập ngừng một chút và bảo: “Xin lỗi, tôi mới vừa cưới vợ tối qua nên không mang theo được nhiều sản phẩm để giới thiệu. Xin xem thử lọ thịt heo muối và lọ kim chi của công ty tôi”.


Không phải ai cũng phải là siêu nhân


Một cách hết sức thật thà, tôi hỏi anh: “Ủa, cái này là mở một doanh nghiệp kiểu truyền thống chứ có thay đổi thế giới đâu mà gọi là khởi nghiệp?”. Kim cười, hiền như cái hũ thịt muối của anh: “Điều gì là quan trọng nhất trong thế giới khởi nghiệp?


Đó là tạo ra việc làm, mang lại giá trị xã hội và phát triển bền vững. Tôi chỉ mong muốn tạo ra sản phẩm ngon nhất, tốt nhất và có thể bán được cho 4,5 triệu người Ireland biết đến mình. Nếu xuất khẩu được sang Anh thì tốt...”.


Tối về, lục lọi trên Internet, thấy Facebook của anh chàng toàn chia sẻ công thức nấu ăn kèm theo thông báo về việc tham gia các phiên chợ, ngày hội văn hóa... để bán hàng trên một cái bàn nhỏ, khiêm tốn. Tôi ghi vào sổ tay: không phải ai cũng cần phải là siêu nhân!


DIT là một trong những trường đào tạo tốt nhất ở thủ đô của Ireland chọn cái tên rất hấp dẫn cho lò đào tạo doanh nghiệp của mình: “Hothouse - dịch sát nghĩa là nhà nóng”.


Họ có một cơ sở vật chất trị giá nhiều triệu đôla Mỹ cho các sinh viên, nghiên cứu sinh cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp sử dụng để thử nghiệm, nghiên cứu các ý tưởng của mình. Chẳng hạn, khu vực phòng thí nghiệm thực phẩm với đầy đủ máy móc chuyên dụng, lò hơi, phòng kiểm định... cũng đã tiêu tốn gần 3 triệu USD.


Mỗi năm, trong suốt 15 năm qua, Hothouse tổ chức tuyển chọn, ươm tạo, đem thi thố và liên kết đủ các chiều kích khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp và hình thành một “câu lạc bộ cựu thành viên nhà nóng” để hỗ trợ lẫn nhau và hỗ trợ các nhóm thành viên mới.


Hóa ra chàng trai “thịt heo muối” không phải là trường hợp duy nhất tìm được sự ủng hộ của học viện kỹ thuật tạo ra công ty khởi nghiệp mà thực lòng, ở Việt Nam, Singapore, Israel hay Mỹ đều ở trạng thái “không ai dòm tới”.


Chẳng hạn, Sophie Dalton, một cô gái phát triển dòng sản phẩm đồ ăn vặt bổ dưỡng bằng các loại rong biển của Ireland. Sản phẩm sử dụng quy trình chế biến cải tiến nhất để bảo quản được dưỡng chất có trong rong biển.


Một điển hình khác trưởng thành từ “Nhà nóng” là nhóm cựu sinh viên ngành chế tạo sản phẩm của DIT vừa giành giải nhì một cuộc thi khởi nghiệp. Nhóm này tạo ra một thiết bị mang tên “Đi xe đạp an toàn”, nhắm đến đối tượng khách hàng là những người đi xe đạp trong thành phố Dublin, có khả năng thực hiện sự tương tác giữa người đạp xe và điện thoại di động.


Nó quản lý việc nghe nhạc, các cuộc gọi, bản đồ cũng như báo động khi nhận diện một vài nguy hiểm trên đường đi xe đạp. Đây có lẽ là doanh nghiệp duy nhất có sản phẩm mang hơi hướng “toàn cầu hóa” mà DIT sở hữu. Nhưng cũng chẳng ai trong số các bạn trẻ này nói về hoài bão “tỉ đôla” hay “thay đổi thế giới”. Với họ, công việc đơn giản chỉ là tạo ra một thứ giúp người đi xe đạp an toàn và thuận tiện hơn...


Dublin mưa rồi lại nắng liên tục trong hai giờ. Anh chàng già nhất trong nhóm khởi nghiệp, Ronan Clarke, ngồi say sưa kể về hành trình của mình: xuất thân từ một kỹ sư xây dựng, bất động sản gặp khó khăn nên anh thất nghiệp.


Anh được động viên làm cái gì đó để tự tạo công việc cho mình nên bắt đầu từ một ý tưởng đơn giản: rất nhiều nơi sử dụng bảng, máy chiếu... để viết và trình chiếu, tại sao lại không biến tất cả các bức tường thành nơi thực hiện việc này? Ronan nghiên cứu ra một loại sơn tường có thể biến tất cả các bức tường thành bảng hay màn hình chiếu.


Bút viết lên tường của Ronan có nhiều màu sắc đa dạng và có thể dễ dàng xóa đi viết lại. Quan điểm của Ronan là cho dù công nghệ có phát triển như thế nào, việc sử dụng bảng để viết vẫn là cách cho học sinh phát triển sáng tạo nhiều nhất.


Thật sự mà nói, ý tưởng và sản phẩm này cũng... thường và đã có nhan nhản trên mạng. “Nhưng ở Ireland chưa có và mọi người Ireland đều muốn ủng hộ chúng tôi” - Roman bảo.


Tự hào vì tạo được thêm việc làm. ảnh: tư liệu

Tiêu chuẩn “việc làm” là quan trọng nhất


“Nhà nóng” của DIT đã hoạt động từ năm 2001, tức là sớm hơn hầu hết các trung tâm ươm tạo khởi nghiệp trên thế giới.


Và bảng thành tích của họ cũng thể hiện công thức làm việc cũng như công thức khởi nghiệp của một trong những học viện kỹ thuật hàng đầu châu Âu này: 15 năm, 265 doanh nghiệp phát triển bền vững được tạo ra, 1.500 việc làm có thu nhập tốt được ghi nhận và hơn 150 triệu euro tiền đầu tư được rót vốn vào các công ty của Hothouse.


Hóa ra không phải lúc nào khởi nghiệp cũng cần thay đổi thế giới, cũng cần tạo ra công ty tiền tỉ đôla Mỹ, cũng cần phải có tỉ lệ rủi ro cao đến 90%. Ở Ireland, một xứ sở giàu có hơn 90% các quốc gia trên thế giới này, họ chọn con đường khởi nghiệp lạ lùng hơn nhiều. Và kết quả rất đơn giản: Ireland là quốc gia có thu nhập đầu người cao thứ nhì thế giới.■


Không có định nghĩa chung về khởi nghiệp


Tùy mỗi chính sách quốc gia, tùy mỗi nhà đầu tư, mà khởi nghiệp có một định nghĩa và tiêu chí riêng.


Với Sillicon Valley ở Mỹ, thì khởi nghiệp phải tạo ra sản phẩm hoàn toàn mới, người Israel thì lựa chọn doanh nghiệp khởi nghiệp theo 5 lĩnh vực: web, mobile, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học ứng dụng đời sống và internet của vạn vật. Hàn Quốc thêm một ngành “làm đẹp” vào tiêu chí chọn khởi nghiệp còn Ireland lại xếp “tạo công ăn việc làm” lên đầu danh sách các tiêu chí để nhà nước hỗ trợ.


Khởi nghiệp là một từ ghép Hán Việt, với hai thành tố: Khởi và Nghiệp. Khởi, nghĩa là bắt đầu. Nghiệp, nghĩa là sự nghiệp, cơ nghiệp. Cũng có người hiểu là “nghề nghiệp”.

Nhưng tựu trung, mọi người đồng ý với quan điểm “khởi nghiệp là bắt đầu gầy dựng một cơ nghiệp”. Vấn đề còn lại, là bắt đầu như thế nào, và quy mô của cơ nghiệp này.


Từ hay được sử dụng nhiều khi nói về khởi nghiệp là một từ gốc tiếng Anh: Start Up, hay biến thể thành Startup. Nếu sử dụng bài viết được thực hiện công phu, dịch ra nhiều thứ tiếng và đang được tạm chấp nhận là định nghĩa chung nhất của từ điển mở Wikipedia, thì nó có nghĩa như vầy:


“Một công ty startup, hay một startup, hay một start-up, là một cuộc kinh doanh mang tính mạo hiểm, hay một doanh nghiệp mới dưới dạng một công ty, một liên minh đối tác hoặc một tổ chức tạm thời để tìm kiếm một mô hình kinh doanh có lợi nhuận lặp đi lặp lại và có thể phát triển lớn hơn.


Những công ty này, phần lớn là mới thành lập, rất sáng tạo trong quá trình phát triển, tìm kiếm và nhận diện thị trường mục tiêu. Thuật ngữ “startup” được quốc tế hóa trong thời đại bong bóng của những công ty có nền tảng là web khi mà lượng doanh nghiệp dot-com được thành lập là rất lớn.


Bởi lịch sử như thế, startup thường được mặc định là các công ty dựa vào công nghệ. Nhưng thực tế chứng minh không phải vậy, tính chất của startup được định nghĩa là mô hình của đam mê, sáng tạo, có khả năng mở rộng và phát triển mạnh”.


Còn lại, cũng là doanh nghiệp mới thành lập, nhưng tồn tại lâu dài ở dạng thức giản đơn, không có khả năng phát triển lớn thì được xem là một doanh nghiệp nhỏ, hoặc siêu nhỏ. Đó là những tiệm tạp hóa trong nhà, một quán ăn gia đình…


Nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra, tất nhiên vẫn chưa có kết thúc. Nhưng tạm thời, chúng ta sẽ sử dụng khái niệm khởi nghiệp – hay startup cho những doanh nghiệp thỏa mãn ba tính chất sau đây:

- doanh nghiệp mới;

- có sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ cung cấp;

- có một tầm nhìn rộng và xa để phát triển quy mô lớn.

1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page