top of page
Ảnh của tác giảBung Trần

Khởi nghiệp Việt và những “điểm nóng” 2019

TTCT - Việt Nam đã vượt qua giai đoạn được định nghĩa là “kích hoạt thị trường khởi nghiệp” trong hai năm qua. 2019 được dự báo sẽ là năm bản lề để xuất hiện một thế hệ khởi nghiệp kiểu mới ở Việt Nam: tham vọng hơn, giàu chất xám hơn và cũng… bình tĩnh hơn.


Hội thảo về thương mại hóa công trình trong trường đại học do Bộ Giáo dục New Zealand và Sihub tổ chức. Ảnh: T.Nguyên

Có startup lên sàn chứng khoán? Không chắc. Năm rồi, Yeah!1 - một công ty tạm gọi là startup, lên sàn chứng khoán, kéo theo hàng loạt giấc mơ “tôi cũng có thể làm được”.


Nhưng dù muốn dù không, những rào cản kỹ thuật, đặc biệt về quy mô và thời gian, chưa cho phép các startup Việt chạm tay ngay vào cánh cổng “đại chúng hóa” doanh nghiệp của mình.


Nhưng vẫn có ít nhất là hai công ty lặng lẽ nuôi giấc mơ này, một nằm trong ngành năng lượng, và một nằm trong ngành giáo dục.


Hãy thất bại thông minh


Người ta hay bảo có bốn con đường phát triển của doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp: Thứ nhất là nuôi lớn chút và bán hẳn cho một DN to hơn để đi làm chuyện khác, vì đằng nào mình cũng không đủ sức nuôi nó nữa; hầu hết các DN khởi nghiệp chọn đường này.


Đường thứ hai là tìm cách đại chúng hóa công ty, hay phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tức là khá gian nan: đủ vốn, đủ lãi, đủ kiểm toán và vượt qua hàng rào kỹ thuật của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Đường thứ ba, cứ giữ đó mà từ từ... kiếm tiền, khi mà nó vẫn là một “máy in tiền” cho nhà sáng lập.


Đường cuối cùng, nhiều người trải nghiệm hơn: thất bại, đóng cửa. Lời khuyên duy nhất: đằng nào cũng thất bại, hãy thất bại cho thông minh, để còn dưỡng sức mà... khởi nghiệp tiếp.


Sự tỏa sáng của yếu tố bản địa


Không có một unicorn - kỳ lân khởi nghiệp tỉ đô nào xuất hiện trong nhóm này. Nhưng năm 2018 chứng kiến một cuộc trỗi dậy mạnh mẽ của các bạn trẻ từ nông thôn, núi cao mang sản phẩm của mình, mang yếu tố bản địa của mình kết hợp sức mạnh công nghệ để trình diện thị trường những DN đầy sức sống và tiềm năng.


Thực phẩm là nhóm chiếm đa số, hứa hẹn cung cấp cho thị trường những sản phẩm “ngon, lành và ý nghĩa” hơn nhiều so với các sản phẩm đại trà. Các công thức bí truyền về dược phẩm, dược liệu cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Và tính “đặc sản” sẽ là một mô hình khởi nghiệp đóng được dấu ấn của mình, không chỉ như một cuộc chơi, mà còn là một phân khúc thị trường đáng quan tâm.


Sau ba năm “xây nền móng”, bà Nguyễn Phi Vân, chủ tịch Công ty Retail and Franchise Asia, cảm thấy hết sức tự tin để đầu năm 2019 sẽ công bố chương trình tăng tốc khởi nghiệp trong lĩnh vực franchise của mình.


Sự đáp trả với đà “xâm lăng” của các chuỗi nhượng quyền thương hiệu thế giới của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam quả là không đơn giản, khi hàng loạt các The Coffee House, Thai Market, The Craft House... từng bước chứng minh nội lực của họ với thị trường.


Một điểm nhấn thú vị là khi Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đến Việt Nam, một công ty khởi nghiệp chưa bao giờ nghe nói đến tên là Faifo International Franchise đã đột ngột xuất hiện và tỏa sáng với mô hình nhượng quyền các cửa hàng may đo đồ vest trên khắp thế giới với tay nghề may đo của người Hội An.


Trí tuệ nhân tạo - không theo thì chậm


Những lớp học về trí tuệ nhân tạo của cộng đồng VietAI (trí tuệ nhân tạo Việt) chưa bao giờ còn chỗ trống trong năm qua.


Từ các ứng dụng đơn giản như chatbot (chế độ robot tự trả lời thông qua máy học trên những trình duyệt nhắn tin, chủ yếu là Facebook messenger, để thực hiện các thao tác đơn giản tự động như trả lời các câu hỏi thường gặp, đặt bàn nhà hàng, tra cứu thông tin...) cho đến những thứ phức tạp hơn như nhận dạng khuôn mặt để chấm công, tối ưu hóa quy trình quản trị trong nhà máy... đang xuất hiện và cạnh tranh ngày càng nhiều.


Điều hấp dẫn của “món” trí tuệ nhân tạo này là lực lượng nhân sự chất lượng cao, có bằng cấp tiến sĩ, nghiên cứu sinh người Việt trên thế giới tham gia ngày càng đông đảo.


Nông nghiệp công nghệ cao - còn hơn cả một lợi thế


Từ khá lâu nay, câu chuyện phát triển nông nghiệp Việt Nam luôn là một thách thức to lớn và thu hút sự quan tâm nhiều nhất. Bởi cho đến nay, việc canh tác phần lớn vẫn còn ở quy mô nhỏ và vừa với phương thức cũ. Chỉ cần “nhúng” thêm một chút công nghệ vào, chẳng hạn Internet of things, để cho phân bón, nước, độ ẩm... được lên tiếng thì đã có thể chứng minh được hiệu quả.


Tuy nhiên, việc thuyết phục nhà nông mua sắm công nghệ không đơn giản, nên vẫn cần thêm một chút kiên nhẫn của những người đủ đam mê với câu chuyện khởi nghiệp nông nghiệp. Dẫu sao, không gian này vẫn còn rất “rộng cửa” và dễ thử nghiệm.


Cả năm 2018, câu chuyện được nhắc đến rất nhiều là mô hình platform - được xem là một cuộc cách mạng trong khởi nghiệp. Nhiều người chờ đợi một platform trong nông nghiệp sẽ ra mắt trong năm 2019. Ít nhất là 5 nhóm đang ôm giấc mơ này. Hãy đợi đấy.


Khách hàng trung thành - kho dữ liệu lớn


Chưa bao giờ câu chuyện dữ liệu người tiêu dùng được quan tâm đến như hiện nay. Khi mà VinID tung ra không biết bao nhiêu tiền để thu thập dữ liệu người dùng và khuyến khích chuyển sang tích lũy điểm trong thẻ để “dính” sâu hơn vào hệ sinh thái kinh doanh của mình, nhằm có đủ thông tin để từ đó lựa chọn sản phẩm cho từng người, thiết kế chương trình khuyến mãi có trọng tâm...


Nhiều nhóm vẫn âm thầm hoặc đã nổi danh trong phân khúc thị trường khá lớn này vẫn đang tiếp tục cạnh tranh. Chừng nào Vietjet Air có thẻ khách hàng thường xuyên, Highland Cafe có chương trình chăm sóc khách cũ? Đó là những mục tiêu còn để trống cho các startup trong “món dữ liệu” này.


Các nữ học sinh lớp 12 tham dự chương trình “Thế hệ không giới hạn” - cuộc thi khởi nghiệp dành cho giới trẻ giải quyết những vấn đề của giới trẻ do UNICEF tổ chức toàn cầu với giải pháp: truyện đọc về bình đẳng giới cho các bé. Ảnh: T.Nguyên

Sự “chuyển hóa” chất xám từ trường học


Trong năm 2018, có ít nhất là ba hội thảo cấp quốc gia và rất nhiều hội thảo nhỏ bàn về câu chuyện “trung tâm chuyển giao công nghệ của trường đại học - TTO - technology transfer office”, một đơn vị chuyên nghiệp nằm bên trong nhà trường, thực hiện chuỗi các hoạt động định giá, tư vấn, kết nối và chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ trường, viện để thành các sản phẩm trên thị trường. Chúng tôi đánh cược rằng con “kỳ lân” - unicorn startup tiếp theo của Việt Nam phải xuất phát từ con đường này mà ra.


Bùng nổ thương mại điện tử


Không thể khác được, khi mà cả Chính phủ Malaysia và Chính phủ Singapore - hai quốc gia gần Việt Nam nhất về địa lý lẫn quan hệ khởi nghiệp - đã tung ra những chương trình quốc gia khuyến khích phát triển các startup thương mại điện tử.


Nhiều nhãn hàng lớn tại Việt Nam cũng không ngần ngại chia sẻ định hướng này: trước nay vẫn sống dựa trên các sàn thương mại có sẵn như Tiki, Lazada, nhưng năm 2019 sẽ tập trung xây dựng sàn giao dịch của mình để kiểm soát được thông tin và xu hướng tiêu dùng của khách.


Còn bao nhiêu khoảng trống cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam và khu vực? Câu trả lời là nhiều. Chẳng hạn, một startup của Malaysia đã sang Việt Nam để thử nghiệm dịch vụ “thu hồi sản phẩm đổi trả của các giao dịch thương mại điện tử thông qua các trạm thu là các cửa hàng tiện lợi gần nhất”.


Và những yếu tố bất ngờ


Mấy năm liền, chúng tôi cùng chương trình Sáng kiến kinh tế Mekong (MBI) tổ chức hàng loạt cuộc tìm kiếm, hỗ trợ và tranh tài cho các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch nhưng không quá thành công. Nhưng điều bất ngờ là con số dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực này liên tục tăng, các ứng dụng công nghệ cho du lịch ngày càng nhiều, chỉ cần thêm chút thời gian sẽ có chuyện hay.


Điều tương tự cũng đang diễn ra trong lĩnh vực logistic khi các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài vẫn thích ngành này, vì ở Việt Nam logistic là... chán nhất. Khởi nghiệp tài chính và giáo dục, sau bao nhiêu năm tưng bừng phát triển, năm nay không có mấy tín hiệu để tin rằng sẽ bùng nổ. Nhưng thật sự, chẳng ai biết được tương lai cả.


Lời kết hơi buồn: Tin nhắn cuối cùng trong năm của nhóm các nhà cố vấn khởi nghiệp lại là chia sẻ một tâm sự của startup trong lĩnh vực phim online. Họ thất bại trong hành trình đi xin giấy phép tại Việt Nam để có một website phim ảnh đàng hoàng, có bản quyền vì mọi thứ thủ tục quá khủng khiếp. Họ đành sang một quốc gia khác.


Nó làm tôi nhớ hôm dự phiên họp sáng lập của một startup về thương mại điện tử, họ gọi luật sư, tính toán về chi phí xin giấy phép, đặc biệt là chi phí chuyển khoản điện tử, thì cũng quyết định dời công ty sang Singapore... Nhà nước vẫn nói ưu ái khởi nghiệp, nhưng những lực cản vẫn rất nhiều. Bởi dù sao, đó cũng là con đường chẳng mấy ai đi.

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page