TTCT- Jeff Hoffman là tỉ phú, nằm trong bảng xếp hạng những doanh nhân “ngầu” nhất thế giới của đủ mọi tổ chức khác nhau. Ông vừa quyết định sẽ dành một phần thời gian của đời mình để đến chia sẻ với các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp ở Đà Nẵng.
Ông trùm ấy là Jeff Hoffman, người tạo ra những cỗ máy check-in tự động của hệ thống hàng không thế giới, sau đó cùng các đồng đội tạo ra một đế chế hùng mạnh mang tên Priceline, nơi nắm giữ những hệ thống hỗ trợ du lịch phổ biến nhất: Booking.com, Hotel.com và rồi mua lại cả Agoda.com.
Ông nói với TTCT: “Thành công theo định nghĩa của tôi là được sống một cuộc đời mà mình mong muốn”. Ông bảo: “Muốn cùng những người trẻ hoạch định tương lai của chính họ, vì thành công theo định nghĩa của tôi là được sống một cuộc đời mà mình mong muốn”.
2 tầng lầu và 50 quốc gia
Đó là một buổi sáng mà trời đã nóng phát sợ ở thủ đô Vientianne (Lào). Chiếc xe khách ọp ẹp phát ra cả hơi lạnh, hơi nóng lẫn hơi người. Vậy mà còn nhiều người mải nói chuyện, chưa vội lên xe bởi với người Lào, thời gian chỉ là một khái niệm mong manh trong cõi nhân sinh.
Thế là có người cáu, nói vọng lên với tài xế: có thể di chuyển được chưa, chúng tôi trễ giờ rồi! Đó là một ông Tây già tròn trịa, hói đầu, mặc áo sơmi cùi bắp và mang mắt kính xệ xuống mũi. Ông ngồi khó nhọc vì quá to so với cái ghế đã chế lại của xe khách.
Ông Tây đó là Jeff Hoffman, người tạo ra những cỗ máy check-in tự động của hệ thống hàng không thế giới, sau đó cùng các đồng đội tạo ra một đế chế hùng mạnh mang tên Priceline, nơi nắm giữ những hệ thống hỗ trợ du lịch phổ biến nhất: Booking.com, Hotel.com và rồi mua lại cả Agoda.com.
Mọi người hay nói vui 90% người đi du lịch tự túc trên thế giới này đều phải nộp tiền cho nhóm này. Anh Trần Trí Dũng, chuyên gia của Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ Swiss EP, nói nhỏ: “Cứ xông tới nói chuyện đi, ông ấy cũng dễ chịu lắm”.
Ừ, hi vọng ông tỉ phú đang bị nắng nóng làm bực mình này không “cắn”, nên cứ xông tới hỏi thăm. Và đó là điểm bắt đầu của những câu chuyện vụn đầy cảm hứng của một người dám làm tất cả những gì mà mình mong muốn để được hạnh phúc.
“Tôi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin, xin vào làm việc ở một tập đoàn lớn. Vậy là đạt yêu cầu của gia đình. Đi làm từ sáng tới tối nên nhà tắm là nơi tôi rất yêu quý.
Tôi nhớ ngày tốt nghiệp đại học có viết một ước mơ của mình vào mẩu giấy, dán lên tấm kiếng nhà tắm: mình sẽ đi du lịch đến 50 quốc gia khác nhau. Tấm giấy luôn ở đó và tôi vẫn cứ sáng đi làm, chiều tối về.
Một ngày tôi tình cờ gặp lại một người bạn thời đại học trong thang máy nơi công sở. Thật ngạc nhiên là chúng tôi làm cùng một công ty. Tôi làm IT ở tầng bốn. Anh bạn làm kế toán ở tầng sáu.
Tối đó, trong phòng tắm ưa thích, tôi nhìn vào tờ giấy viết ước mơ của mình và nhận ra một sự thật. Tôi đã không biết người bạn đại học của mình làm cùng công ty suốt thời gian qua chỉ bởi một lý do đơn giản: tôi chưa lần nào thực hiện chuyến du hành từ tầng bốn lên tầng sáu!
Tôi choáng váng. Ước mơ cuộc đời của tôi là đi du lịch tới 50 quốc gia. Và thực tế là tôi chưa bao giờ thực hiện chuyến du lịch hai tầng lầu. Tôi nghỉ việc và chuẩn bị chuyến du lịch đầu tiên của đời mình”.
Người giải quyết những vấn đề
Hành trình trở thành khởi nghiệp không ngừng nghỉ của Jeff đã bắt đầu như vậy. Chuyến du lịch đầu tiên không hề suôn sẻ như Jeff dự tính. Gom góp toàn bộ tiền tiết kiệm để khởi hành, Jeff đã không lên được máy bay vì muộn giờ. Jeff đã phải chờ hàng giờ mới tới lượt được cấp thẻ lên máy bay. Và như thế là quá trễ.
Ông mệt quá, bực quá bèn quay lại hỏi những người đang xếp hàng sau mình: Có ai đồng ý trả tôi 10 đôla Mỹ nếu tôi giúp mọi người không phải xếp hàng chờ check-in nữa không?
Mọi người hào hứng đồng ý, có người thậm chí còn sẵn sàng trả tới 50 đôla. Cũng vui vì có một ông khùng muốn làm chuyện không thể. Nhưng với Jeff, ông đã làm xong việc đầu tiên mà mỗi người khởi nghiệp phải thực hiện: xác nhận giả thiết rằng tồn tại thị trường cho sản phẩm.
Đừng quên Jeff tốt nghiệp kỹ sư tin học của Đại học Yale. Ông về nghiên cứu ngày rồi lại nghiên cứu đêm để tạo ra hệ thống check-in tự động. Khi giải pháp của Jeff được hãng hàng không đầu tiên đồng ý thử nghiệm, một người bạn nói với Jeff rằng ông cần có tài khoản để khách hàng trả tiền. Vậy thì mở tài khoản.
Nhưng cần phải có công ty để mở tài khoản, người bạn nói. Ồ, vậy cần phải lập một công ty thôi. Vậy là doanh nghiệp khởi nghiệp của ông được tạo ra.
Khi “xử gọn” chuyện hành khách phải xếp hàng để check-in, Jeff không thể tin rằng từ đó về sau ông được trả tiền để đi khắp các sân bay khác nhau, được ngồi khoang thương gia và miễn phí khách sạn cho việc thiết kế và lắp đặt hệ thống máy check-in tự động trên toàn thế giới...
Rồi ông học được rằng mình có thể bán công ty đi để đỡ bận rộn, mới có đủ thời gian đi du lịch cho đủ 50 quốc gia mình mong muốn. Những chuyến đi, những tương tác trong ngành dẫn Jeff đến với nhóm sáng lập Priceline.com và họ cùng nhau tạo nên một công ty nhiều chục tỉ đôla Mỹ.
Một lần, Jeff ngồi trên máy bay xem Elton John hát và nghĩ: làm thế nào để có thể làm quen với ông nghệ sĩ tuyệt diệu này. Jeff bắt đầu ủ mưu, xây dựng một kế hoạch “tính ngược” từ ngày sẽ ăn tối với Elton John trở về trước.
Câu chuyện cá chuồn
Tỉ phú Jeff Hoffman, thông qua Tổ chức SWISS EP, đang chuẩn bị bài diễn thuyết của mình tại Đà Nẵng vào ngày 21 và 22-7. Người đàn ông đã làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp du lịch thế giới này nói: “Tôi thích cách mà các bạn trẻ Đà Nẵng thuyết phục tôi: họ không làm một hội thảo mặc đồ vest ở khách sạn 5 sao, mà sẽ làm một cuộc chơi tên là Surf - lướt sóng. Họ vẽ hình con cá chuồn làm biểu tượng và nói rằng biển Đà Nẵng có loài cá kỳ lạ này: có thể bơi, có thể bay và đặc biệt luôn đi thành đoàn. Tôi hi vọng sự phát triển của doanh nghiệp tại Đà Nẵng cũng như cá chuồn, đi thành đoàn cùng nhau, lướt trên những con sóng về phía khơi xa. Và tôi hào hứng được làm người truyền chút cảm hứng cho thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam trên hành trình này”.
Để ăn tối với nghệ sĩ lớn thì cần có lý do, muốn có lý do phải làm cái gì đó chung, cái gì đó chung thì nên liên quan tới âm nhạc, mà mình thì không thể chơi nhạc.
Nhưng không chơi nhạc thì có thể làm sản xuất. Mà làm sản xuất thương mại thì phải đi làm thuê cho các công ty lớn, hay là làm sản xuất chương trình từ thiện của quỹ Elton John? Cứ vậy mà tính, tính xong thì làm.
Làm xong, Jeff nhận luôn giải Grammy cho nhà sản xuất âm nhạc tốt nhất trong năm và kết thúc bằng bữa ăn tối với Elton John mà ông mong muốn.
Jeff nheo mắt: “Tự tra Google đi để biết tôi mất bao nhiêu năm cuộc đời mới làm được chuyện mình mong muốn này...”. Ừ, chắc là lâu và vất vả lắm. Nhưng đó chính là cuộc đời Jeff muốn và ông nói rằng mình hạnh phúc trên từng bước đi của hành trình này...
Đi qua lời nguyền
Chúng tôi ngồi ở một quán ăn nhỏ bên cạnh sông Mekong. Bên này là Lào, bên kia là Thái Lan. Jeff hỏi: “Đà Nẵng vui lắm đúng không? Tôi nên nói chuyện gì với các bạn trẻ ở đó? Tôi nói về gen di truyền của doanh nhân nhé, hay là nói về chuyện đi qua lời nguyền?
Hay nói chuyện đi tìm một vấn đề mà mình được sinh ra để giải quyết?”. Ông có vẻ đầy ắp năng lượng vì rất may là trời chiều đã dịu mát.
Jeff nói: “Ai trên đời cũng hay thở phào: ơn trời, hôm nay là thứ sáu! Sau đó họ hạnh phúc được chút xíu rồi lại rớt vào cơn ác mộng ngày thứ hai.
Nhưng đó là một lời nguyền mà chúng ta hay gặp phải. Khi tôi đã xây dựng xong và bán đi bốn công ty khác nhau, kiếm được cũng kha khá tiền, bố tôi vẫn cằn nhằn: Cứ xây công ty xong rồi đem bán, lại xây công ty khác để bán tiếp thì mai mốt ghi vô hồ sơ xin việc sẽ rất khó tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng cho mà coi.
Tôi ngồi im nghĩ rằng đến giờ mà mọi người vẫn nghĩ là có lúc nào đó tôi lại đi xin việc, để lại ngồi ở lầu bốn và không bao giờ khám phá được thế giới của lầu sáu...”.
Ông bảo giờ mình đã là tỉ phú, đã đi vòng quanh được 93 quốc gia rồi, nhưng vẫn còn dư dả thời gian để đi trò chuyện và tận hưởng niềm vui được hỗ trợ những nhà doanh nghiệp trẻ ở các quốc gia khác nhau.
“Nói với họ là tiêu chí của một người sinh ra để giải quyết vấn đề rất đơn giản: hành động phải nhanh, làm việc phải hiệu quả, phải hết sức tiết kiệm và luôn biết cách thích ứng và thay đổi trước một thế giới biến động không ngừng” - ông nheo mắt cười.■
Comments