TTCT- Thomas - một du khách từ Nam Phi - rủ: “Ghé coi cái vườn có nguyên cái tượng Trường Sa không?”. Chúng tôi đạp xe vòng qua làng rau Trà Quế, tới con đường nhỏ không có tên ở thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, Hội An thì gặp ông Nguyễn Chi - ông nông dân thích kể chuyện Trường Sa.
Trong cái vườn ở trước nhà, thay vì làm hòn non bộ như mọi người, ông Chi tạo nguyên một tấm bản đồ Việt Nam, hồ nước mênh mông là Biển Đông, sừng sững tượng đài Trường Sa với hình ảnh người hải quân bồng súng. Ông dựng một chái nhà nhỏ để ngồi đó trò chuyện với khách qua đường, con nít đi học ngang ghé uống miếng nước, khách du lịch nước ngoài đi ngang tò mò ghé vô...
Chữ nghĩa không bao nhiêu, ông vừa nói vừa chỉ bản đồ đủ diễn tả được câu chuyện ngắn, đôi khi có thể kể trong đúng một câu: “Con cháu không biết nhiều về Tổ quốc rộng và đẹp biết bao, nên làm để tụi nhỏ dễ hình dung”.
Công trình bắt đầu từ 13 tháng trước, khi cái giàn khoan của Trung Quốc ngạo ngược kéo vô. Ông ngồi nghe đài, đứa cháu hàng xóm hỏi: “Trường Sa ở đâu?”. Ông cũng lúng túng bèn đi tìm tài liệu, sách báo để đọc để còn biết đường giải thích. Ông cẩn thận chép lại từng mớ tư liệu, cắt những bài báo ra để dành rồi tự mình bắt tay vô làm luôn cái tiểu cảnh hình đất nước.
Ông già 62 tuổi này cả đời không đi đâu xa nên cái gì cũng phải đi tìm, đi hỏi thăm. Vậy mà được lợi nhiều vì giờ có thể ngồi kề cà cả ngày chuyện khắp nước non mình.
Ông đã đủ “đồ nghề”, luôn cả vị trí đánh dấu sẵn trên “mặt biển” để làm quần đảo Hoàng Sa nhưng chưa đủ tư liệu nên vẫn từ từ đi xin: “Cột mốc là quan trọng lắm, phải coi đó như một điểm thờ, một trụ vững chắc của đất nước nên làm thì phải đúng kích thước, đúng hình dáng, không qua loa, đại khái được. Tui già rồi, ráng làm cho tử tế để con cháu còn theo mà học”.
Hàng xóm nói không ai yêu nước bằng ông Chi, nhưng cũng có người nói ông yêu nước thì để trong lòng được rồi. Ông cười: “Hóa ra mình ngồi ở nhà mà có nhiều Tây Tàu đi ngang chụp hình dữ lắm, cho mọi người biết biển mình to rộng, nhiều đảo lắm chớ... Tui nhắm làm được tới đâu thì làm chớ để trong lòng đâu có ai biết”.
Ông Chi ở cái đất Đồng Nà này từ nhỏ, thuở chim không kêu gà không gáy, tự vỡ đất hoang trồng khoai lang. Hồi đó chưa có nóc nhà nào, ông tự xách cuốc mở đường mòn cho học trò đi cho có không khí, tới năm 2000 Nhà nước mới chính thức làm đường.
Ông cả đời lo trồng cây, học hành có đầy một gang tay chữ nghĩa, tới lớp 3 thôi, nhưng giờ thì có đủ chuyện thế gian để ai đi ngang rảnh ghé vô ngồi chơi nghe.
Trưa nắng thấy ông già nông dân mặc áo sơmi chỉn chu ngồi giải thích về những hòn đá vô tri mà ông cố gắng thổi hồn vào để ra được cột mốc quê hương, thấy đời thật vui...■
Comments