Tìm đọc trên báo Thế Giới Hội Nhập tại đây.
Có một báo cáo toàn cầu mang tên “Thế hệ trẻ khát khao”, nói về một làn sóng mạnh mẽ đang lan tràn khắp thế giới về những người trẻ chọn cho mình “phe” trái đất, chứ không chọn thành công được đong đếm bằng số tiền trong tài khoản.
Từ trái sang: Tác giả bài viết, chủ tịch JCI Việt Nam 2023 Nguyễn Đắc An Khang, Argenis Angulo và Vũ Tuấn Anh, chủ tịch JCI Việt Nam 2022 tại buổi trò chuyện.
JCI – Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân trẻ Thế giới – là một tổ chức rất lạ. Lạ, là vì tổ chức có những cái tên hàng đầu thế giới như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, John F. Kennedy, cựu Thủ tướng Nhật Bản Aso Masahiro, cố Tổng thư ký liên hiệp quốc Kofi Anna, lại nhận những hội viên khi vừa tròn 18 tuổi nhưng mong muốn trở thành lãnh đạo. Lạ, là vì họ dám trao quyền cho những người “non tơ” này làm giám đốc các dự án thiện nguyện của mình. Và lạ hơn, là dấu hiệu nhận biết họ rất dễ: những người cài huy hiệu biểu tượng “17 mục tiêu phát triển bền vững” của Liên hiệp quốc trên ngực trái chỗ trái tim của mình…
Từ chàng tạp vụ đến chủ tịch toàn cầu
Argenis Angulo, Chủ tịch toàn cầu đương nhiệm của JCI đến Việt Nam và dành cho Thế Giới Hội Nhập một cuộc trò chuyện độc quyền. Gặp anh chàng vừa chạm ngưỡng 40 tuổi – số tuổi tối đa đối với một thành viên JCI người Venezuela này, mới giải đáp được hết những thắc mắc sau hơn một năm đồng hành cùng JCI Việt Nam của tôi.
Chuyện của Argenis Angulo cũng là chuyện lạ. Năm 18 tuổi, anh chàng từ quê lên phố học đại học ngành báo chí, tranh thủ đi làm tạp vụ lau dọn ở một quán gà rán KFC và trong lúc đang lau sàn sau giờ tối thì thấy truyền hình phát thông điệp của một thành viên JCI. Argenis hiểu rằng, thông điệp của tổ chức này chính là điều mình cần nhất trong cuộc đời: “Say yes to your dream – Hãy nói có với việc thực hiện giấc mơ của mình”.
Chàng trai đăng ký tham gia, hành trang là một giấc mơ thật lớn giữa những ngổn ngang của một quốc gia quá nhiều vấn nạn. Anh phải đi làm thêm giờ, đi xin một ít tài trợ của thầy cô, bạn bè và những chủ quán gần đấy để có kinh phí tham gia các hoạt động của JCI. Và cơ hội lần đầu xuất ngoại của Argenis là đi tham dự một hội nghị JCI cấp vùng. Ở đó, chàng trai trẻ lơ ngơ được rủ: “Tham gia cuộc thi hùng biện kìa”. Anh sợ hãi vô cùng, sợ tới mức không nói được chữ “không” nên bị đẩy lên sân khấu. Bằng một phép màu nào đó, anh đoạt giải nhất, và hiểu được một điều: không được đánh giá thấp bản thân mình…
Cứ như vậy, anh chọn JCI là một sự nghiệp của mình, và công việc cũng lớn dần theo sự trưởng thành của tổ chức này tại địa phương của mình. Argenis đi nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, va chạm và được giúp đỡ nhiều hơn từ những người chưa gặp một lần chỉ nhận ra nhau bằng chiếc huy hiệu phát triển bền vững. Anh tham gia nhiều, hoặc rất nhiều, những dự án xã hội, từ chăm sóc cho trẻ em nghèo, dạy học cho người yếu thế và đặc biệt, nghề báo tạo thêm nhiều kết nối để anh làm được nhiều việc hơn cho người nông dân, nơi mà anh lớn lên.
Rồi cũng từ JCI, anh đi học ở Mỹ, chuyển hướng sang làm kinh doanh và bắt đầu tư vấn. “Điều tôi học được, là mình chẳng bao giờ sẵn sàng cho bất kỳ chuyện lớn lao nào, nhưng JCI hiểu điều đó, nên tất cả mọi người đều có một năm thử thách và sau một năm đó, họ có trách nhiệm hướng dẫn lại cho người tiếp theo. Nhiệm kỳ một năm của mỗi vị trí có cái thú vị của việc dám chấp nhận thách thức và ráng sống cho hết khoảng thời gian ít ỏi này và tạo ra một dấu ấn nào đó giữa dòng lịch sử trăm năm của JCI toàn cầu. Bởi vậy, tôi không ngại khi ra tranh cử chức danh chủ tịch JCI toàn cầu, dù mình xuất thân từ một quốc gia nghèo và bản thân cũng chưa có thành tựu gì xuất sắc…”.
Chương trình tranh cử của Argenis là chuyển tải thông điệp về khung trách nhiệm của mỗi người trẻ. “Chúng ta sinh ra là đã phải nhận lãnh trách nhiệm với bản thân mình, với gia đình mình, với cộng đồng quanh mình. Việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân mình là trách nhiệm. Việc học hành và phát triển tối đa năng lực của mình cũng là trách nhiệm. Việc bảo vệ môi trường cho thế hệ sau cũng là trách nhiệm. Và việc lan toả tri thức, hỗ trợ những người trẻ khác cũng là một trách nhiệm. Năng lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Nên việc hay là chúng ta không đơn độc mà có thể cùng nhau thực hiện các trách nhiệm với xã hội”.
Một năm ở nhiệm kỳ chủ tịch toàn cầu, Argenis đã xa nhà 320 ngày, đến 60 quốc gia. Tôi hỏi, kết thúc nhiệm kỳ, anh muốn làm gì để hoàn thành trách nhiệm đối với đất nước của mình. Anh cười: Việc đầu tiên, là tôi vẫn ở lại Venezuela dù hàng triệu người dân của tôi đã phải li hương. Còn lại, mỗi cố gắng của mình, dù là nhỏ nhất, vẫn sẽ phải làm cho cuộc sống của những người quanh mình mỗi ngày tốt hơn lên…
Argenis An gulo tại cuộc trò chuyện với sinh viên TP.HCM với chủ đề Từ công dân trẻ tích cực đến lãnh đạo trẻ.
Và một thế hệ trẻ sống khát khao
Tôi biết JCI cũng lâu, nhưng thực sự không thích, vì đơn giản là họ hơi kiểu cách. Các cuộc gặp nhau của họ, trong đó nhiều người tôi biết rõ là đang rất chật vật trong việc kiếm sống, vẫn phải mặc đồ đẹp, gặp nhau chào điệu đà và nói những chuyện hơi đao to búa lớn như phát triển bền vững. Ở Việt Nam, JCI là một tổ chức con của Hội doanh nhân trẻ TP.HCM YBA nên lại càng… trẻ hơn. Trẻ như vậy, mà ai cũng có một chức danh vô cùng hoành tráng. Tôi nghĩ, thôi cũng hay, vì sau sự điệu đà phù phiếm mang tính hình thức này, lúc nào họ gặp nhau cũng làm được điều gì đó thú vị và tốt cho cộng đồng. Họ lấy 17 mục tiêu phát triển bền vững ra, xong bàn nhau ai làm gì thực hiện mục tiêu nào. Lúc thì đi đào giếng, lúc thì đi trồng rừng, lúc lại đi dạy học, có khi đi thu gom máy tính cũ cho các trường vùng xa…
Cho tới khi, những người bạn thân nhất của mình tham gia JCI, thì tôi bắt đầu nghĩ khác. Nghĩ khác, chứ không phải thích, vì cứ mỗi cuộc gặp, cho dù là ở đâu, mà có từ hai thành viên JCI trở lên, thì câu chuyện sẽ chỉ xoay quanh JCI. Nhưng từ lúc nào chẳng rõ, tôi bị cuốn theo dòng chảy các hoạt động của họ.
Đoàn Ngọc Hiếu, chàng trai sản xuất 5 triệu đôi giày đi mưa Leedo xưa giờ chỉ nói chuyện giày và chuyện Batman, giờ chuyển sang quan tâm nhiều hơn tới… phát triển bền vững, tới các tác động xã hội, tới quan hệ quốc tế. Những cuộc gặp của chúng tôi bắt đầu đông hơn vì Hiếu nhận trách nhiệm chủ tịch của JCI South Saigon, phải đón tiếp các đoàn JCI khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam. Ngồi nói chuyện với JCI Nhật Bản, thấy họ cùng nhau làm kinh doanh rất gắn kết, và sang Việt Nam thì nhào vô phụ dự án đào giếng cho trường học ở lưng chừng núi cao Gia Lai. Ngồi chơi với JCI Đài Loan, hoá ra là họ có dự án thu gom máy tính cũ, Hiếu lật đật tìm cách mang về cho các huyện đảo nghèo ở Việt Nam. Và từ lúc nào chẳng rõ, anh thích nghiên cứu về vật liệu nhựa tái chế, cố gắng đưa những thành tố bảo vệ môi trường từ nhỏ nhất vào trong công việc kinh doanh của mình.
Phạm Đăng An tham gia JCI từ rất xa xưa, khi anh còn kinh doanh chuỗi cà phê và sau đó là trà. Nhưng cái “máu bền vững” của JCI thấm vào anh sao đó, để An quyết định chọn đi theo một con đường khác. Anh tham gia Vũ Phong Energy Group – một tập đoàn tư nhân làm về năng lượng tái tạo. Và dấu ấn của An, hay dấu ấn của JCI, chính là ở tất cả các buổi làm việc của Vũ Phong, luôn thấy những biểu tượng mục tiêu phát triển bền vững trên sân khấu. Mưa dầm thì thấm lâu, sự kiên định “đẩy” yếu tố phát triển bền vững đến từng thành viên trong công ty của An, hình như, đã bắt đầu có những kết quả đầu tiên: không còn nói suông, “phát triển bền vững” trở thành các yếu tố được tính toán vào trong hiệu quả công việc của từng người, từng bộ phận của doanh nghiệp này…
Đến giờ, tôi có thể kể ra hàng trăm những câu chuyện về những con người như vậy. Ngồi nghe họ nói, thấy họ làm thì nhận ra rằng, ai cũng lớn lên rất nhanh, trưởng thành lên mạnh mẽ và hành xử rất khác đi để tuân thủ các phương thức hành xử của thế giới. Có một báo cáo toàn cầu mang tên “Thế hệ trẻ khát khao”, nói về một làn sóng mạnh mẽ đang lan tràn khắp thế giới về những người trẻ chọn cho mình “phe” trái đất chứ không chọn thành công được đong đếm bằng số tiền trong tài khoản. Họ đã chọn sự thành công của vị trí một doanh nghiệp, một nhà lãnh đạo chính là sự cống hiến mà họ trao đi, như lời tuyên hứa mà họ đã đọc khi tham gia tổ chức này: “The earth’s great treasure lies in human personality, and serving humanity is the best work of life” (tạm dịch: Kho báu lớn nhất của trái đất nằm trong nhân cách con người, và công việc tốt nhất cuộc đời là công việc phục vụ nhân sinh”
Comments