Tối qua, Bung ngồi tham gia một cuộc uống bia, giữa một bạn tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo, và một ông anh hiền triết đang làm khởi nghiệp. Ngồi nghe ké thôi, mà thấy vui sướng dễ sợ. Vì mấy đoạn nói qua nói lại của hai người, làm vỡ ra nhiều thứ xưa giờ hơi hồ nghi…
“Daily-Opt đi làm tư vấn cho một doanh nghiệp bột mì siêu to khổng lồ của Malaysia về tối ưu hoá vận hành logistic. Chúng tôi phân tích dữ liệu, bàn luận, chạy các thuật toán khác nhau, và tìm ra ba biến số gắn chặt với con người, chứ không phải là bài toán giản đơn về công nghệ, về tính toán quãng đường hay chất đầy hàng lên xe…
Thứ nhất, là lịch sử làm việc giữa các nhà cung cấp lâu năm với doanh nghiệp. Công nghệ tính cái là ra ngay việc các công ty đối tác lâu đời này là… ít hiệu quả hơn. Nhưng tuyệt đối không có gì thay được mấy mươi năm làm ăn với nhau, chữ tín, và bao nhiêu lần hỗ trợ nhau qua những hoạn nạn khó khăn của thương trường…
Thứ hai, là tài xế chở hàng là con người, không phải là những con số tính toán của cái máy. Nên họ mới biết quãng đường nào là phù hợp, thời gian nào cần nghỉ ngơi, và một số nhu cầu nho nhỏ rất con người của họ nữa. Nên phải cho thông số này vào mà tính toán, không có chuyện muốn tối ưu hoàn toàn thì cứ ngồi trên bàn giấy mà viết các thuật toán, đâu có áp dụng được vào thực tế.
Và sau cùng, tối ưu hoá, nhưng cũng cần công bằng, và cần một chút trực giác lẫn kinh nghiệm của người ra quyết định. Nên Daily-Opt, nghĩa là tối ưu hoá mỗi ngày, nhưng cũng mang nghĩa tạo ra các lựa chọn mỗi ngày, để con người phải ra cái quyết định cuối cùng. Con người mới là yếu tố quyết định, chuỗi đạo hàm xích ma này nọ, chỉ mang ý nghĩa bổ trợ mà thôi…”.
Đó là thứ mà Việt Hồ - một chàng tiến sĩ mang vợ con từ Bỉ về Đà Nẵng sống, với hi vọng mình có thể cùng đồng đội tạo ra các sản phẩm công nghệ đủ tốt để giúp doanh nghiệp Việt phát triển kịp tốc độ cải tiến công nghệ của thế giới. Việt chọn Đà Nẵng thay vì Sài Gòn hay Hà Nội, vì muốn tiết kiệm thời gian cho mình, không phải đám cưới đám giỗ quá nhiều hoặc phải tốn quá nhiều thời gian di chuyển ngoài đường. Thời gian, là thứ hữu hạn duy nhất con người có mà.
Mà Bung chơi với Việt, còn là vì anh chàng biết tạo ra một lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng cho hai đứa con của mình: ngủ nhiều hơn tất cả các bạn cùng tuổi, để trí não và cơ thể được phát triển toàn diện hơn. “Phải lôi bọn nhỏ về trước khi nó vào lớp 1. Nếu cứ ở châu Âu, nó sẽ thành loại quả chuối rất nhanh: bên ngoài vỏ thì màu vàng, mà ở trong thì màu trắng. Tức là hình dáng thì vẫn người Việt, nhưng bên trong toàn là suy nghĩ và tính cách châu Âu, vừa mất gốc vừa không thể hoà nhập cộng đồng…”.
Đối diện Việt là anh Hoàng, một ông anh mà mười mấy năm trước, Bung có nhờ làm chủ biên cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của nhà sáng lập hãng IBM. Anh Hoàng giờ là nhà sáng lập của một công ty công nghệ fintech, nhưng vẫn đau đáu chuyện… con người.
“Mọi người xem clip trên Ted rồi, biết chuyện có ông nông dân nổi tiếng toàn thế giới đưa ra câu hỏi: vì sao con chim làm tổ có 1 ngày, con gấu làm hang có 3 ngày, còn con người tự hào là tiến hoá nhất, mất 30 năm trả nợ cho 1 căn nhà của mình. Tôi nghĩ khác chút xíu: Tôi mất 12 năm thanh xuân, tính từ thời điểm ra trường, để mua được cái nhà chưa tới 50 mét vuông. Và bạn bè chúc mừng vợ chồng tôi giỏi quá. Tôi thấy điều đó không đúng. Và nếu không đúng, thì mình phải làm cho nó đúng chớ.
Tôi theo đuổi công nghệ. Và hôm nay, một công ty công nghệ đã thoát thai được từ ý tưởng của nó. Nhưng tôi luôn nhớ cảm giác khi coi video cuộc nói chuyện của đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận – người Việt đầu tiên giữ chức vụ chủ tịch một hội đồng cao nhất của toà thánh Vatican với ông trùm công nghệ lúc đó là Bill Gates của Microsoft. Một người số 1 thế giới về công nghệ, và một người số 1 thế giới về nhân văn, nói chuyện với chủ đề “hệ quả của nền kinh tế internet là gì?”. Kết luận, giản đơn lắm: CON NGƯỜI mới là trung tâm của mọi thứ, chứ không phải là công nghệ…”.
Xong hai người như kiểu tri kỷ lâu ngày gặp nhau, nói quá chừng nói về sức mạnh của sự im lặng trong tranh luận với… vợ, về chuyện tổ chức học về tài chính đầu tư tiền bạc cho trẻ con ở các nước, về cách nhìn mới về tổ chức bảo tàng, về bia Bỉ, về khoai tây chiên bằng mỡ bò.
Bung bèn thấy mình thiệt hạnh phúc, vì cả hai người đều là đối tác làm ăn của mình. Yên tâm là họ chọn con người, không phải chọn công nghệ nên không có mê con robot nào mà ruồng rẫy Bung.
Comments