Mấy hôm nay, thay vì ngồi quan tâm về số trường hợp bị nhiễm virus corona ở Trung Quốc, trên chiếc tàu ở Nhật hay tìm hiểu quá nhiều về những trường hợp đang bị cách ly tại Việt Nam, câu chuyện quay sang một chiều hướng đáng sợ hơn: khả năng mất việc, đóng cửa doanh nghiệp và mọi hệ luỵ từ chuyện này…
Bung có bạn làm chủ một trung tâm dạy tiếng Anh và tin học loại nho nhỏ đang khóc ròng. Khóc ròng, vì bao nhiêu tiền của dành dụm được cả năm, Tết vừa rồi… chơi lớn, thưởng tùm lum. Giờ lớp đâu có ai học, lương giáo viên đâu có ai trả, tiền thuê mặt bằng thì cũng chưa xin giảm được. “Chiều nay mới thông báo cho các giảng viên tạm nghỉ 1,5 tháng, rồi tính tiếp coi sao…” - anh nói mà như than.
Và Bung biết nhiều ơi là nhiều trường hợp lâm nạn ngay lập tức như vậy. Những quán ăn vắng tanh cuối ngày phải đem thức ăn đi đổ bỏ và lo ngay ngáy chuyện mặt bằng. Những chương trình hội nghị liên tục bị huỷ làm cho ngành giải trí và các địa điểm chưa biết phải xoay sở ra sao. Nhưng còn bao nhiêu người phải nộp đơn xin tự nghỉ việc không lương vì phải ở nhà trông con hoặc thôi ở lại quê không lên thành phố nữa…
Bung phỏng vấn 5 ứng viên từ hồ sơ mua của CareerBuilders, chỉ có 3 bạn đến, 2 bạn còn lại nói ở lại quê luôn, rau cháo qua ngày cũng đỡ hơn lên làm việc mà bấp bênh sợ hãi bệnh dịch quá.
Đây là Bình Minh, một trong những người bền bỉ theo đuổi chuyện ứng dụng công nghệ trong giáo dục. Minh tốt nghiệp và làm việc ở Singapore, và học được cách người Sing đi qua 2 lần khủng hoảng: một là thời dịch SARS, và hai là thời khủng hoảng tài chính 2008.
“Người ta sơ đồ hoá được tác động của kinh tế suy giảm liên tục. Ở đoạn bắt đầu suy giảm, nhiều việc làm bắt đầu mất dần đi, cho tới khi nó xuống tới đáy và nằm im ở đó. Lúc đó, người lao động bị thất nghiệp rất đông. Chính phủ họ làm gì? Họ tạo ra một cái quỹ, cấp cho mỗi người thất nghiệp một số tiền học phí để đi học một món gì đó mới hơn, gọi là upskills - nâng cấp kỹ năng hoặc reskills - tái đào tạo cho mình một kỹ năng mới. Và chính quá trình thất nghiệp này, người Singapore đã tự nâng cấp mình lên, sẵn sàng trở thành một phiên bản tốt hơn trong thị trường lao động khi kinh tế ấm dần trở lại…”. Minh bảo, mình chẳng có cục ngân sách nào hỗ trợ cho chuyện này, dù bao nhiêu báo cáo của thế giới đã chỉ ra là không cần khủng hoảng vì dịch cúm, thì cũng có quá chừng người lao động Việt Nam đang có nguy cơ mất việc vì sự thay đổi của môi trường kinh doanh và sản xuất do công nghệ tạo ra. Có khi, đây là thời điểm tốt để mỗi người ngồi tự đánh giá lại năng lực và tìm cách nâng cấp tay nghề mình lên.
Không phải tự dưng nhớ tới Minh, mà là vì sáng nay đi họp ở một công ty công nghệ tài chính, khi hỏi password wifi, thì các bạn bảo là “upskills" và giải thích rằng đó là văn hoá mỗi ngày của công ty này. Nó làm Bung nhớ lại lần ngồi với giáo sư Albert Tan, một ông thầy người Malaysia của đại học MIT danh tiếng. Ông cũng hơi già, nhưng rảnh rảnh chút thì lấy sách ra học, Bung cười: Ông học vậy còn chưa đủ nữa sao, chừa lại chỗ cho tụi trẻ còn đất sống nữa chớ. Ổng lật đật lấy điện thoại, mở ra tấm hình chụp lén bạn học của mình trong lớp về trí tuệ nhân tạo: “Chú này gần 80 tuổi rồi, nhưng siêng học và học giỏi hơn tui lắm. Phải ráng mà theo chứ. Mình có tuổi rồi, làm gì cũng chậm hơn các bạn trẻ, nhưng ngủ ít hơn chút, không tốn thời giờ đi uống bia thì sẽ học được và theo kịp những món thời thượng này thôi…”.
Bung nhớ ra, mình đã mua bao nhiêu khoá học trực tuyến đủ các thể loại vì… thích, và nghĩ là lúc nào đó sẽ học. Nhưng thực sự hiếm có khi nào tự hoàn thành một khoá học hết, vì lúc nào cũng bận rộn chuyện gì đó.
Thôi không bận nữa, tự chiến đấu với bản thân mình để nâng cấp nó lên thôi. Không thôi thất nghiệp chết…
Comments