Mùa dịch, nên hầu như mọi sự kiện, hội thảo, thậm chí… đám cưới cũng bị hoãn lại một cách vô thời hạn. Ngoài phố cũng hơi vắng, văn phòng lại càng vắng hơn, vì trẻ con nghỉ học, nên người lớn cũng nhiều người chọn giải pháp làm việc từ xa. Chứng khoán vẫn đỏ lòm, nông sản chưa bán được và hàng hoá lẫn nguyên liệu từ Trung Quốc chưa biết khi nào có lại. Chưa bao giờ, câu chuyện về thay đổi, quản trị sự thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh lại được bàn luận nhiều như bây giờ…
Hình như công ty nào, từ siêu to khổng lồ đến khởi nghiệp nhỏ chút éc đều bị ảnh hưởng bởi dịch cúm. Lương vẫn phải trả, thêm mớ chi phí cho dịch cúm, mà nhân viên thì ít việc hẳn đi, thị trường không biết khi nào hồi phục lại. Những dịch vụ trực tuyến nghe nói được mùa làm ăn lắm vì mọi người sợ ra đường, cũng… không chắc ăn mấy. Điều mọi người hay hỏi nhau: là giờ với quá nhiều biến số và ẩn số mang tên dịch cúm, chẳng biết phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình sao cho… sống sót qua mùa.
Đây là anh Hải, Trần Xuân Hải, người chủ trì của một nhóm hoạt động mang tên Missionizer. Nhớ tới anh Hải, là vì lần gần nhất gặp nhau, anh vỗ vai, và nói: “Cái vụ thế giới VUCA và quản trị sự thay đổi, là mệt lắm nha. Không phải ai cũng sẵn sàng hết đâu. Thay đổi touchpoint – điểm chạm giữa doanh nghiệp và khách hàng từ offline sang online, từ một chiều thành đa chiều thôi, đã là một nỗ lực liên tục rồi…”. Bung nhớ ra, là anh Hải thực sự sống với quan điểm về “quản trị sự thay đổi” bằng cách kích hoạt mọi tiềm năng trong mỗi người để vươn lên mỗi ngày.
Bung biết anh Hải từ lâu ơi là lâu, hồi ảnh còn làm tổng giám đốc công ty LINCO, trùm bán nồi cơm điện, máy xay sinh tố và bàn ủi. Trùm lắm chứ không phải vừa đâu. Nhưng mỗi lần gặp, chỉ toàn nghe ảnh nói về sách, và trời ơi, hình như kiếm ra nhiêu tiền đều đi mua sách thì phải. Bung nghĩ, có khi ảnh đọc nhiều quá bị khùng không ta? Sau mới biết, vợ ảnh gọi chồng mình là “sách ca”, còn ảnh tự nhận là “kẻ khùng”. Tuy khùng, như vẫn bán nồi cơm điện máy sấy tóc bàn ủi rất trùm. Cho tới một ngày ảnh… ra làm nhà thiết kế doanh nghiệp, chuyên đào tạo về thay đổi mô hình doanh nghiệp, bắt đầu từ bản thân người đứng đầu.
Ảnh nói: “Một tư duy quản lý mới của startup mà tôi rất thích là đi tìm bằng chứng chứng minh mình sai để sửa nhanh. Cách cũ là cố chứng minh mình đúng mọi cửa...”. Bung hay cãi: “Làm kinh doanh thì làm gì có đúng và sai, chỉ có một thứ ở giữa là phù hợp thôi mà…”. Nhưng cãi cho vui vậy thôi, chớ rõ ràng, thấy chỗ nào chưa phù hợp – tức là sai – mà cố giải thích nguỵ biện cho nó thành hợp lý đúng là thứ… chết người.
Mùa dịch, thấy anh Hải không đi dạy nữa, chuyển sang tư vấn từ xa và… dịch các cuốn sách mà ảnh thấy cần thiết cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp Việt. Thiệt là… hợp tình hợp lý.
Bung cũng thấy mình phải suy nghĩ lại về touchpoint: khách hàng của mình sẽ gặp mình ở đâu nhỉ? Bung đâu có biết. Không biết thì đi hỏi. Bạn Bùi Hải An, một chiến lược gia về kinh tế kỹ thuật số bảo: “Anh phải nghiên cứu thêm về new-retail, bán lẻ mới”. À ok. Bán lẻ mới là cái vụ mở app ra đặt xe Grab thì thấy mã khuyến mãi mua đồ ăn. Bán lẻ mới là lên youtube coi gì đó thì được nhận một mã số để ra siêu thị đổi quà, gọi là o2o. Bán lẻ mới là lỡ nói chuyện với bạn ngoài quán cà phê về chuyện mua cái áo thun là về được đề nghị giảm giá áo thun tùm lum ở tất cả các trang mạng mình coi…
Bung lại đi hỏi Huỳnh Lê Khánh, một ông trùm marketing. Ổng giảng một bài dài ơi là dài, rằng thì là trải nghiệm khách hàng bây giờ phong phú đa dạng vô cùng. Đặc biệt là lứa tuổi tiêu dùng mạnh nhất lại… không giống nhau nhất. Rằng thì là những sự kiện 40.000 người đã trở nên hơi cũ mà thay vào đó là một chùm các sự kiện 100 người. Rằng thì là mỗi bạn trẻ bây giờ ưa chuộng một mạng xã hội khác nhau… Bung bắt đầu hoang mang.
Bung lại đi hỏi Phạm Đức Nam Trung, một đứa giỏi vô cùng về tài chính. Nó ngồi hỏi lại một đống thứ. Và bắt đầu vẽ vời lên mô hình gì đó. Xong nói giờ Bung phải bắt đầu quản lý mọi thứ cho hiệu quả hơn đi, đo đếm bằng số liệu chính xác đi, đừng dựa vô trực giác của mình nữa.
Bung kéo cái khẩu trang lên, và thực sự thấy điều đầu tiên trong mùa dịch, là tập thở cho… phù hợp. Đeo khẩu trang ngộp thở muốn chết, thêm cái tô bún mắm với vừa ăn xong cứ… xoay vòng mùi trong cái không gian chật hẹp. Nhớ ra đi học thiền hay yoga, luôn bắt đầu bằng thứ cơ bản nhất của con người: tập thở. À ok, mùa dịch, phải quay lại nhứ thứ cơ bản nhất là… tập thở, để còn sống sót và… toả sáng.
コメント