top of page
Ảnh của tác giảBung Trần

“Xin chào nhau giữa con đường…”

LTS: Không ít người than: Sao dạo này cứ ra đường là rước cái bực bội vào thân, mọi người có khuynh hướng thiếu kiềm chế hơn. Đường chật, người đông, biến đổi khí hậu làm “ông trời” nóng hơn, con người nóng hơn... có phải vậy không?



Câu chuyện cuộc sống, từ số này, sẽ mở diễn đàn “văn hóa đi lại”, mong nhận được nhiều góp ý giúp “giải nóng” cho chính chúng ta.


Xin chào nhau giữa con đường / Mùa xuân phía trước miên trường phía sau” - đó tất nhiên là thơ Bùi Giáng và hay được một anh bạn đọc to mừng rỡ mỗi khi vô tình gặp người quen trên phố. A, chào nhau sẽ vui hơn nhiều so với việc bóp cái còi xe thật to, thật giận dữ mỗi khi giao thông...


Đường đi... không ở trong miệng mình


Những ai qua lại góc ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai ở Sài Gòn đều thấy cái bảng chỉ dẫn viết rất to cách đến được...


Bệnh viện phụ sản Từ Dũ. Lý do của cái bảng này là vì mỗi ngày ông sửa xe nơi đây phải trả lời cùng một câu hỏi hàng trăm lần.


Nên viết cái bảng và mỗi lần ai hỏi thì chỉ vô cái bảng. Ổng nói vầy: “Xứ mình hình như không có dạy người ta biết đọc bản đồ hay coi biển chỉ đường đúng hông? Sao cái bệnh viện to dữ thần vậy mà ai cũng phải hỏi lòng vòng mới tìm ra được?”.


Chợt nhớ ra cái câu mình hay tự hào ưỡn ngực mỗi khi có ai chuẩn bị chỉ đường đi đâu đó của mình là: “Không cần, đường đi ở trong miệng mình mà...”. Giờ tự dưng thấy mắc cỡ gì đâu, vì mình lại đi làm phiền người ta suốt ngày vì cái tội lơ đãng và không chịu chuẩn bị thông tin của bản thân mình.


Mình đem chuyện hỏi đường này ra kể cho một cô bạn nước ngoài nghe, cổ cười: “Là do xứ tụi mày có văn hóa đi xe máy, chỗ nào muốn dừng là dừng, muốn hỏi là hỏi, lại sẵn người kinh doanh trên vỉa hè để trả lời nên những tính xấu này mới dung dưỡng. Vậy nên mấy lần dẫn tụi mày đi chơi ở xứ khác, giải thích quy trình hoạt động của xe buýt, của tàu điện ngầm mệt muốn chết...”.


Ơ, tự dưng đi kể chuyện vui cho nó nghe xong bị nó làm nhục một trận vầy. Thế là hiểu ra cái sự bực mình này của mấy người xứ khác về thói xấu trong đi lại của mình đã ngấm ngầm chất chứa lâu rồi, giờ có dịp thì nó xì ra. Thiệt tội nghiệp mình.


Vậy nên chuyện đọc bản đồ, sơ đồ hướng dẫn, biển chỉ đường... phải nằm trong ưu tiên trước khi đi học làm giàu hay học thay đổi thế giới rồi.


Học ăn học nói học gói học mở...


Cái gì cũng học, mà đúng là ít khi nào có ai dạy cho chuyện đi đứng. Hèn chi, nhớ lại mấy lần đi dự hội thảo nước ngoài toàn bị các cơ quan mời đi gửi cho tờ hướng dẫn các chuyện “nên và không nên làm” ở xứ khác. Mà mấy thứ này dài lắm, nên ít khi nào chịu khó ngồi đọc hết.

Với lại, đọc thấy người ta cứ khinh bỉ mình sao đó, mà dạy đi đường phải nhường người già, phụ nữ, người khuyết tật; dặn dò cẩn thận không được xả rác hay ăn kẹo cao su...


Những cái xứ luôn miệng đề cao tự do dân chủ, quyền con người gì đó thiệt ra là đàn áp và khóa chặt con người vào quá chừng luật lệ, cốt yếu là để “tự do của một người không được ảnh hưởng tới tự do của người khác và tự do chung”. Nói chung là cái gì cũng cấm.


Thí dụ vầy, có trang web của Bộ Giao thông Úc hướng dẫn “Cách đi lại lịch sự trên phố”. Xong, ở dưới dòng chữ có vẻ lịch sự này ghi chú thích thêm: “Nếu không sẽ bị phạt theo luật định”.

Cái xứ gì mà khó chịu dữ thần. Nhưng vì sợ bị phạt nên cũng ráng mà đọc, coi như chạm tay chạm chân vào các tiêu chuẩn của người văn minh hơn.


“Cấm gác chân lên ghế trước, chắc chắn bị phạt. Cấm sử dụng ngôn ngữ mang tính tấn công người khác ở nơi công cộng. Cấm hút thuốc hoặc uống rượu trên đường đi, luật dân sự sẽ phạt. Thấy hành lý thất lạc phải báo cáo ngay với đường dây nóng. Thấy hình vẽ bậy trên tường phải báo cho một đường dây nóng khác...”.


Rồi họ mô tả những hành động kinh hãi mà xã hội sẽ lên án như sau: “Một người giành hai cái ghế trong khi người khác đang đứng; Mở nhạc điện thoại ầm ĩ; Đứng choán chỗ trên cửa ra vào; Xách cái vali to đùng va đập lung tung; La hét trên điện thoại; Cắt móng tay móng chân ngoài chỗ công cộng - đó là vệ sinh cá nhân mà...”. Và danh sách này cứ dài ra mãi.


Nhưng nói chi cho xa, xứ Thái Lan vừa gần vừa hơi nghèo giống mình cũng đã bày vẽ ra chuyện viết những thứ cảnh báo cho khách du lịch rồi. Nhưng đó chỉ là trong nhà hàng có món ăn tự chọn. Còn ngoài phố chưa thấy treo biển hạn chế tối đa việc bấm còi xe.


Cái xứ cũng kỳ, đường phố suốt ngày kẹt xe, đi chậm rì rì, nhưng hầu như không ai bấm còi xe ỏm tỏi như xứ mình cả. Ông bảo vệ tòa nhà mình ở cầm cây chỉ đường, ra đứng cúi người xuống xin phép, các xe trên phố dừng lại để xe trong tòa nhà chạy ra. Anh bạn đi cùng lẩm bẩm: “Thái Lan mà làm như Nhật Bản vậy”.


Mình tò mò, Google thử cụm từ “quy tắc ứng xử khi đi lại ở Nhật”. Trời đất ơi, tại sao chuyện đi lại cũng có thể trở thành một công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ và phức tạp đến vậy.


Mở YouTube lên xem cảnh bến xe điện ngầm Tokyo mới thấy người ta đông như kiến, à không, như ong vỡ tổ, nhưng di chuyển hết sức trật tự, gồm cả đi đúng phần đường của mình và không có nói năng chi cả. Ra đường mà lỡ có ăn vặt gì thì đem luôn phần rác về nhà nhen...


Thần tướng


Có lần, mình đi học một lớp tên là “Nhân tướng học trong quản trị nhân sự”. Thầy dạy rất hay: “Tướng đi, cách hành xử thể hiện rất nhiều tinh thần và khí độ của một con người. Hãy quan sát cách họ đi đứng sẽ hiểu hơn nhiều so với chỉ ngồi xem hồ sơ và phỏng vấn”.


Sau đó, đúng là mình có chịu khó ngồi xem... camera trước khi phỏng vấn các ứng viên. A, thật là thích khi thấy có người biết nhường cho người trong thang máy ra hết rồi mới vào, trong khi có người cứ nhào vào đại.


Có người đi thẳng, chậm rãi; có người lại cứ hấp ta hấp tấp như ma đuổi. Lại có người đi kéo lê giày dép như thể chẳng còn chút sức lực nào, trong khi người khác lại đi như chim sẻ nhảy lích chích hay vịt bầu lạch bạch. Và nghiệm lại thấy những điều người xưa đã tổng kết có rất nhiều phần “có lý!”.


Bèn nhớ ra có những người “quý tướng”, chính là có dáng đi sang trọng, bèn mở YouTube lên, học theo những bước đi dài mà chắc, nhanh mà vững của... ông Obama. Mình tin là ổng không tự biết đi những bước đi đẹp vậy đâu, phải học hết đó. Và như cách mà ông Obama tới Hà Nội hồi trước, gặp người qua đường thì mỉm cười, vẫy tay, để có người thầm đọc theo: “Xin chào nhau giữa con đường...”.■

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page