top of page
Ảnh của tác giảBung Trần

Ăn... chầm chậm

TTCT - Vòng sơ kết toàn bộ khu vực miền Trung của Chiếc thìa vàng 2016 sẽ bắt đầu ngày 2-8 tại Đà Nẵng. Không chỉ là một cuộc thi, đây còn là dịp để cộng đồng yêu ẩm thực của cả nước tụ hội. Đề bài được đặt ra cho “thổ địa” nghe đơn giản nhưng khó nhằn: có gì mới của ẩm thực miền Trung? May quá, năm nay có chuyện mới: triết lý “slow food - slow life”: thức ăn chậm, và chầm chậm sống…


Thực khách thích thú với sự độc đáo của “slow food Việt” -T.L.

Từ món bún khoai mì huyền thoại...


Bỗng dưng đọc được trong thực đơn của quán ăn An Gia trên đường Cửa Đại, Hội An món “bún sắn trộn”, thấy tim đập lỗi một nhịp, và khẽ khàng gọi món. Thật sự, có chút sợ hãi nếu món mang ra không giống với tưởng tượng của mình...


Cách đây hai năm, cô bếp trưởng Trần Ngọc Nghĩa của nhà hàng Tiến Lộc, Đồng Nai từng dùng một món ăn xưa cũ của vùng quê Quế Sơn, Quảng Nam mà giành chức vô địch liên hoan “Hương vị quê nhà” do Chiếc thìa vàng tổ chức: món phở sắn.


Cô dùng một nguyên liệu rất ít người biết đến và rất hiếm người còn biết làm: món bánh phở làm bằng bột khoai mì (sắn), đan thành từng tấm lưới mắt cáo rất đẹp và khi ngâm mềm, ăn với nước dùng gà, tôm thịt và rau làng Trà Quế thì ngon lạ lùng. Nhưng đó là Nghĩa đi thi, còn bình thường chẳng biết ăn món này ở đâu...


Rồi cô gái nhỏ kêu bà đầu bếp bằng mẹ cũng bưng cái đĩa “bún sắn trộn” ra. Một chiếc đĩa sành kiểu xưa cũ đã ám màu thời gian, mấy lát bánh phồng tôm vừa chiên xong bao quanh một tổ hợp thơm lừng: mấy sợi bún sắn đan chen vào nhau, ôm ấp mấy con tôm đất tươi nhỏ xíu, mấy lát thịt xắt hạt lựu, rau thơm, đậu phộng...


Khẽ đưa đũa vào trộn, một sợi khói nhỏ bay nhẹ lên, mùi thơm “giết chết” toàn bộ mớ nơron thần kinh đang căng thẳng vì chờ đợi.


Bếp trưởng Trần Ngọc Nghĩa và tác phẩm "Phở sắn Quế Sơn"- vô địch hương vị quê nhà- Chiếc thìa Vàng 2014

Một vị khách người Anh viết trên trang Facebook của An Gia về món ăn này như sau: “Gia đình anh Tấn, chủ quán, đã tạo ra món salad trộn ngon nhất thế giới. Đã vậy, câu chuyện bên trong món ăn lại càng quyến rũ hơn”.


Hội An thì nhỏ xíu, nên gọi một vòng là “bắt” được ông chủ nhà An Gia liền. Đó là một ông anh người quê Thăng Bình, Quảng Nam, thương cái món bún sắn tần tảo nghèo khó của quê mình mà nhặt nhạnh lại ký ức để... giới thiệu nó cho cả thế giới trong cộng đồng những người theo triết lý “slow food - thức ăn chậm”.


Phở sắn Quế Sơn -T.L.

Đến triết lý sống để yêu thương


Tôi có thấy tấm bảng ghi “Chầm chậm sống” ở phía trước quán ăn An Gia bên cạnh cụm từ “slow food - thức ăn chậm”. Trước đây chỉ nghĩ đơn giản: Hội An mà, đâu có bon chen như Sài Gòn hay Hà Nội, nên cứ từ từ thư thả. Vô quán kêu món, bếp mới bắt đầu nấu, xong mình cứ ngồi nói chuyện, lâu lâu chút mới có đồ ăn. Xong cũng phải ăn uống chậm rãi...


Ơ, hóa ra không phải. “Slow food” là một phong trào toàn cầu với hơn 100.000 thành viên của 160 quốc gia khác nhau, theo đuổi một giấc mơ lớn hơn là “ăn chậm”: một thế giới mà mọi người có thể thưởng thức các món ăn tốt cho thực khách, tốt cho người trồng trọt và tốt cho hành tinh của chúng ta.


À, cho dù có bảng “Chầm chậm sống” nhưng căn nhà sàn của An Gia cũng có WiFi, cho phép hỏi thăm ông Google về chuyện này.


Từ năm 1986, chống lại sự bành trướng của trào lưu “ăn nhanh - sống nhanh”, giáo sư Carlo Petrini - một nhà hoạt động xã hội người Ý - đã khởi động cuộc cách mạng của mình với ba tiêu chí dành cho một bữa ăn: Good (tốt) - Clean (sạch) và Fair (công bằng).


Đó là ăn những thực phẩm chất lượng tốt, hương vị tốt và tốt cho sức khỏe; sạch nghĩa là thực phẩm không gây ra những tác hại cho môi trường (như dùng phân bón hay thuốc hóa học) và công bằng trong việc tính toán giá bán để ai cũng có thể dùng được cũng như trả công đúng mức cho người nông dân nuôi trồng nguyên vật liệu.


Với “slow food”, ông được bình chọn là một trong 50 người có thể cứu trái đất này của The Guardian năm 2007.


Cổ vũ cho “slow food” - một hoạt động để ghi ơn Mẹ Trái đất - ngày Terra Madre (10-12 hằng năm)-T.L.

Người nhà của An Gia mang ra mấy trái chuối xấu xí èo uột, cười: “Đồ nhà quê tự trồng không có thuốc, nhưng mà nó dễ thương và tử tế lắm...”.


Năm nào An Gia cũng tiếp khá nhiều thành viên cộng đồng “slow food” thế giới đến thăm. Câu chuyện luôn xoay quanh những trải nghiệm của thực phẩm bản địa, những giấc mơ sống chầm chậm để yêu thương nhiều hơn.


Triết lý của “slow food” là khuyến khích con người hiện đại tìm lại những niềm vui giản đơn trong đời sống thường nhật và điều đó nên bắt đầu từ bàn ăn của mọi người.


Món bún sắn trộn

Khoai mì của mình tên tiếng Anh thường là Cassava, còn tiếng Pháp là Manihot. Những người theo chế độ ăn kiêng Gluten-free (một chất có trong hầu hết các loại tinh bột gây dị ứng nghiêm trọng với khá đông người châu Âu) thì chọn ăn khoai mì thay cho những ngũ cốc thông thường khác. Ở An Gia, món khoai mì được chế biến thành một dạng salad trộn, với những người ăn chay thì dùng với nấm, đậu hũ và rau củ khác; với người ăn mặn thì món này có thêm thịt heo và tôm.


Thưởng thức “slow food” là học cách yêu những thứ gần gũi với thiên nhiên và con người, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phải yêu những thứ hoa quả dù hình dáng bên ngoài xấu xí vì không có tác động của công nghiệp hóa nhưng chứa đựng những yếu tố đáng quý bên trong.

1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page